‘Cô ba Sài Gòn’ có mặt tại tuần lễ chiếu phim Fashion Week Pháp - Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 16:49, 21/09/2018
Từ lâu, Paris đã được khán giả Việt Nam cũng như thế giới biết đến như biểu tượng của cái đẹp, của sự văn minh, văn hóa với những cái tên hoa mỹ “Kinh đô ánh sáng”, “Kinh đô thời trang”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Paris được giới thượng lưu, quý tộc và hoàng gia khắp nơi trên thế giới tìm đến mỗi dịp hội hè. Những sự kiện lớn về văn hóa, về điện ảnh và đặc biệt là thời trang liên tục được tổ chức thường niên tại Paris như một thông điệp về sức sống mãnh liệt của thành phố xinh đẹp này.
Mở đầu loạt phim về thời trang chính là bộ phim tài liệu đặc sắcParis: Kinh đô thời trang(tên tiếng Pháp: Paris Couture). 52 phút của bộ phim miêu tả giai đoạn thăng trầm của làng thời trang cao cấp Paris – Haute Couture sau Thế chiến thứ II. Những tài năng kiệt xuất sống mãi trong lịch sử thời trang thế giới như Dior, Balenciaga, Saint-Laurent,… cùng chung tay xây dựng nên 25 năm huy hoàng của đế chế Haute Couture, trước khi nhường lại sân khấu cho ngành thời trang công nghiệp.
Bộ phim thứ hai góp mặt trong tuần lễ thời trang là tác phẩm về một nhà thiết kế xuất chúng người Pháp: Jean – Paul Gaultier. Chỉ với 1 người mẫu, 1 trợ lý và duy nhất 1 máy quay cố định trong studio khép kín,Jean-Paul Gaultierđã tái hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông qua 12 mẫu thiết kế kinh điển, đánh dấu thương hiệu Gaultier trong lòng người yêu thời trang. Chắc chắnJean –Paul Gaultier:từ Vải đến Vóc(tên tiếng Pháp: Jean – Paul Gaultier travaille) sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị và độc đáo.
Bên cạnh những bộ phim Pháp thì Viện Pháp tại Hà Nội cũng rất tự hào được trình chiếu một bộ phim về thời trang Việt đã gây tiếng vang lớn trong thời gian qua. Đó chính là bộ phimCô Ba Sài Gòn(tên tiếng Pháp: La tailleuse) của đạo diễn Bửu Lộc và Kay Nguyễn.
Bộ phim là một câu chuyện xuyên không kỳ lạ về làng thời trang Việt. Một bước giao thoa giữa cổ điển và tân thời. Đây là dịp để giới thiệu cho khán giả, nhất là khán giả nước ngoài tại Việt Nam tham dự tuần lễ khám phá bộ phim và câu chuyện chuyển mình của chiếc áo dài Việt Nam, hay sự chuyển mình của ngành thời trang truyền thống nói chung trước những làn sóng mới mẻ và hiện đại đang ập đến.
Điểm nhấn của tuần lễ chiếu phim thời trang Fashion Week năm nay là hai buổi chiếu phim tiểu sửChanel: Bước ngoặt của Coco(tên tiếng Pháp: Coco avant Chanel) – một tác phẩm ấn tượng của điện ảnh Pháp.
Bộ phim là sự tái hiện lại cuộc đời đầy thăng trầm của Coco Chanel. Từ một cô thợ học việc, một ca sĩ hát dạo, một cô nàng tình nhân đến “Coco Chanel” – một ngôi sao sáng, một kiểu mẫu của “phụ nữ hiện đại”, người đã ghi tên mình vào lịch sử thời trang cao cấp thế giới.
Đối với những người đã từng biết đến nhà thiết kế Yves Saint Laurent với những bộ sưu tập đầy quyến rũ nhưng chưa thỏa mãn những hiểu biết về phong cách thời trang độc đáo và sự phức tạp trong con người ông qua bộ phim tiểu sử mang tựa đề YSL của đạo diễn Pháp Jalil Lespert, thì buổi chiếu phim tài liệuBản phác thảo của Yves(tên tiếng Pháp: Les dessins de Yves Saint Laurent) sẽ là dịp để chiêm ngưỡng những bản vẽ từ thời thơ ấu, những mẫu thiết kế thời trang chưa từng được công bố của ông cũng như có thêm một góc nhìn khác về cuộc đời và sự nghiệp của một thiên tài thời trang Yves Saint-Laurent thông qua chính lời kể của các đồng nghiệp, bạn bè.
Đại diện cuối cùng của tuần lễ chiếu phim thời trang Fashion Week là bộ phim tài liệu đen trắngHaute Couture:Thời trang cao cấp(tên tiếng Pháp: À quoi sert la haute couture?). Mọi người đều biết đến thời trang cao cấp, nhưng mấy ai có thể phân biệt được thời trang may sẵn cao cấp và Haute Couture. 52 phút của bộ phim là bản vẽ chi tiết bức Trường Thành mang tên Haute Couture vẫn trường tồn dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử thế giới.