Bộ ba tỉ phú giàu nhất Trung Quốc ‘hội ngộ’ trong nghịch cảnh
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 11:28, 05/06/2015
1. Tỉ phú Li Hejun, nhà sáng lập và CEO công ty tấm pin năng lượng Hanergy.
Ông Li trước đây đã từng trở thành tỉ phú giàu nhất Trung Quốc. Vào cuối tháng 5, ông đã gặp phải một khó khăn lớn trong kinh doanh khi cổ phiếu trong công ty tấm pin năng lượng mặt trời dạng phim mỏng Hanergy đã giảm mạnh 47% trong một giờ giao dịch. Kết quả là Hanergy đã mất gần 19 tỷ USD vốn hóa thị trường và giá trị cổ phần của ông Li đã giảm 15 tỷ USD, theo dữ liệu của CNN Money.
Dựa trên những thông tin có sẵn và ước tính từ CNN Money cho thấy hành động của ông Li sẽ không thể nào bù đắp được những tổn thất lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá cược rằng họ sẽ biến những khoản thua lỗ thành lợi nhuận bằng cách mua lại các cổ phiếu khi giá đang giảm.
Uỷ ban chứng khoán Hồng Kông đã xác nhận là đang điều tra công ty ông Li. Hiện tại, Hanergy phần lớn vẫn im lặng về vấn đề này.
Trước đó, ông Li đã nhanh chóng leo lên hàng ngũ top 3 người giàu nhất Trung Quốc khi chứng khoán của Hanergy tăng mạnh, cổ phiếu đã tăng 625% trong năm qua. Chính sự gia tăng bất ngờ của cổ phiếu đã thu hút sự tò mò của giới truyền thông và các nhà phân tích về vấn đề kế toán và doanh thu của công ty.
Trước khi Hanergy lao dốc, tài sản ước tính của ông Li là 26 tỷ USD và ông là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, theo Báo cáo Hurun.
2. Tỉ phú Wang Jianlin - Chủ tịch tập đoàn bất động sản Dalian Wanda
Dalian Wanda sở hữu AMC Entertainmen (AMC) – công ty hiện đang bị Bộ tư pháp Hoa Kỳ điều tra vì hành vi “phản cạnh tranh”. Cụ thể là công ty này bị cáo buộc là đã thông báo với hãng phim Hollywood rằng họ sẽ không chiếu các bộ phim mà các đối thủ khác đã chiếu.
AMC là một trong những chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất tại Mỹ với 4.972 màn hình chiếu phim và nhiều rạp nhỏ tố cáo rằng công ty này sử dụng các chiến thuật để ăn cắp phương thức kinh doanh của họ.
Vào tháng 2, tài sản ước tính của tỉ phú Wang là 25 tỷ USD, và ông là người giàu thứ hai Trung Quốc, theo Hurun.
3. Tỉ phú Jack Ma - Chủ tịch Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba
Gần đây, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã bị Tập đoàn Kering – chủ sở hữu của các thương hiệu cao cấp như: Gucci, Yves Saint Laurent và một số nhãn hiệu khác, đã nộp đơn kiện vì tội cho phép các cửa hàng kinh doanh trái phép.
Tập đoàn Kering đã cáo buộc gã khổng lồ Alibaba và một số công ty có liên quan đang cố tình hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh hàng giả hàng nhái trên internet để kiếm lợi nhuận. Hiện tại, các mặt hàng nhái này đang được bán một cách bất hợp pháp trên toàn thế giới.
Những mặt hàng giả luôn là mối đe dọa lớn đối với Alibaba vì hiện tại trên hầu hết các trung tâm mua sắm lớn như: Taobao và Tmall, đều xuất hiện những mặt hàng này.
Trong khi đó, Alibaba luôn khẳng định rằng tập đoàn này luôn tìm cách chống hàng giả, hàng nhái. Nhà đồng sáng lập Alibaba, Jack Ma cho rằng, hàng nhái là “một căn bệnh ung thư” đang đe dọa tới công ty.
Đây là lần thứ hai, Tập đoàn Kering đã lên tiếng kiện Alibaba. Năm ngoái, tập đoàn cao cấp này đã nộp một đơn kiện lên chính quyền Mỹ và đã rút lại trong vài tuần sau "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" giữa hai bên, theo một tuyên bố chung.
Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã phát hành một báo cáo buộc tội Alibaba hoạt động trái phép vì không thể kiểm soát được thị trường kinh doanh internet. Tập đoàn này quá lỏng lẻo trong các hoạt động kinh doanh vì đã cho phép các thương gia bán hàng giả tràn lan trên thị trường mạng, từ những kiểu thiết kế túi xách đến những chiếc smarthphone, theo Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại (SAIC).
Năm ngoái, trong bản báo cáo IPO của tập đoàn, Alibaba đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng tập đoàn có thể lại bị chỉ trích vì những lời tố cáo tiếp tay cho các cửa hàng kinh doanh trái phép trên mạng.
Hiện tại, cổ phiếu của Alibaba đã giảm 13% trên sàn New York và tài sản của tỉ phú Jack Ma vào khoảng 24,5 tỷ USD, tính đến tháng 2.
Tuyết Nhung (Theo CNN)