Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 'nóng' với câu hỏi khó của PGS Thiên

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 10:08, 21/04/2015

Tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không hội nhập quốc tế ngay được ở đất nước mình, không thể mượn sức để lớn lên? Điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế Việt Nam của các doanh nghiệp FDI chấm dứt?..." Đó là hàng loạt câu hỏi khó của PGS.TS Trần Đình Thiên tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân.
Với chủ đề “Cải thiện môi trường kinh doanh, biến lời nói thành hành động”, sáng 21.4 tại Nghệ An, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức được khởi động với nhiều câu hỏi nóng về môi trường kinh doanh, vấn đề hôi nhập, doanh nghiệp trong nước và FDI, tham nhũng…
Những câu hỏi nóng

Là người mở đầu hôi nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế không chỉ khái quát tình hình kinh tế Việt Nam trong năm qua mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về những vấn đề nổi cộm nhất của kinh tế hiện nay.

“Tại sao doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không hội nhập quốc tế ngay được ở đất nước mình, không thể mượn sức để lớn lên? Điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế Việt Nam của các doanh nghiệp FDI chấm dứt?
Vì sao lại có tình trạng trên và lỗi có phải tại ta? Hệ lụy sẽ là gì trong cả hai xu hướng: FDI lấn át và FDI rời bỏ Việt Nam khi tận dụng hết các cơ hội từ lợi thế hiện hữu?”, ông Trần Đình Thiên và cộng sự thẳng thắn đặt câu hỏi cho diễn đàn.

“Khi doanh nghiệp FDI vào nhiều, với các công ty hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota, chủ thể phát triển của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc. Nhưng xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghiệp, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi?”, ông Thiên gợi mở

Đồng thời, ông Trần Đình Thiên cũng đặt câu hỏi khi nhắc tới số doanh nghiệp nội địa đóng cửa tăng dần từ năm 2010 đến nay, từ 40.000 trong năm 2010 đến 67.832 năm 2014. Trong quý I.2015, con số này là hơn 16.200, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Nói về vấn đề nợ công, ông Thiên đặt vấn đề, năm 2015 dự báo nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách sẽ vượt vạch đó là 25,9%. Đi kèm là nguy cơ của xu hướng nội địa hóa nợ công, nghĩa là dựa vào trái phiếu Chính phủ thay vì ODA, đó là lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh.

“Đây phải chăng sẽ là vấn đề chủ yếu của nợ công năm nay, chứ không chỉ ở chỉ tiêu chuẩn an toàn nợ công nữa” – TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Song song với đó, ông Trần Đình Thiên cũng rất quan tâm đến nguyên lý hoạt động mới của cơ quan công quyền: chịu trách nhiệm cá nhân – theo chức năng.

“Điều này nhìn rất rõ trong cơ chế điều hành quản lý nhà nước cũng đang được cải cách mạnh, bắt đầu tư giảm giờ “hành” thuế và “hành” thủ tục hải quan…”, ông Thiên nói và cho rằng, đây vẫn là các nhiệm vụ ưu tiên của năm 2015.

Tham nhũng làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp
Tham nhũng là vấn đề nổi cộm của Việt Nam hiện nay. Phát biểu trong tham luận gửi đến Diễn đàn Kinh tế mùa xuân năm nay, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn chỉ ra: "Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”.

Ông Lê Đăng Doanh cũng đưa ra dẫn chứng trường hợp mới đây, Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót ở Việt Nam liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.

Đặc biệt, ông Doanh dẫn nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tính toán, nếu các khoản chi phí không chính thức ít hơn và do đó nếu các doanh nghiệp giảm số tiền chi trả cho các khoản không chính thức, thì nguồn lực này sẽ có thể được chuyển hướng vào đầu tư và tạo việc làm.

Cụ thể, nếu giảm 1% đơn vị tần suất tham nhũng, đầu tư tư nhân sẽ tăng 3,7%, việc làm tư nhân sẽ tăng 1%, và thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5%. Nếu giảm 1% đơn vị gánh nặng tham nhũng, đầu tư tư nhân sẽ tăng 6,4%, số việc làm tư nhân sẽ tăng 1,8%, và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng 2,3%.

"Như vậy, tham nhũng làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp, những doanh nghiệp đút lót, hối lộ ít quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ hay sản phẩm, một tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học-công nghệ là động lực chính cho phát triển hiện nay", ông Doanh cho hay.

Theo những số liệu, báo cáo đã được đưa ra trước đó từ Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổ chức Minh bạch Quốc tế... TS. Lê Đăng Doanh cho biết, những yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi.

Hoàng Long