Kêu gọi không cho tiền người ăn xin: Đừng triệt tiêu lòng nhân ái

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 04:49, 28/12/2014

Để giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin, chính quyền TP HCM kêu gọi người dân không cho tiền trực tiếp người ăn xin. Xung quanh vụ việc này có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nói: "Việc cần làm là sử dụng lòng nhân ái đúng cách chứ không phải triệt tiêu nó".
Thưa ông, chính quyền TP.HCM vừa kêu gọi không cho tiền người ăn xin. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến truyền thống "lá lành đùm lá rách" của người Việt hay không?
Tôi thấy việc xã hội chia sẻ cho người ăn xin là điều rất bình thường, rất tốt đẹp. Người ăn xin thì xã hội nào cũng có, thành phố nào cũng có. Tất nhiên, lòng nhân ái cũng không nên phung phí, mù quáng mà phải biết phân biệt đối tượng nào cần được giúp đỡ, chia sẻ và đối tượng nào không nên giúp đỡ.
Xã hội chúng ta sống có nhiều người vì mất năng lực lao động, thiên tai địch họa, bệnh tật... mà phải ăn xin kiếm sống. Phải hiểu là họ không muốn như thế.
Nhưng cũng có dạng người lười lao động, ỷ lại vào lòng thương của người khác để sống. Và cũng có cả những kẻ lợi dụng trẻ em, người già yếu chăn dắt ăn xin để kiếm lợi nhuận. Loại người này thậm chí xuất hiện ở xã hội thời trung cổ. Giúp đỡ những đối tượng này vô tình chúng ta tiếp tay cho cái xấu.
Nhưng người bình thường làm sao phân biệt được đâu là ăn xin thật đâu là ăn xin giả. Do vậy, nếu kêu gọi "không cho tiền trực tiếp người ăn xin" thì vô tình chúng ta loại trừ luôn cả người thật sự cần giúp đỡ?
Cái chúng ta cần làm là sử dụng lòng nhân ái đúng cách chứ không phải triệt tiêu nó. Chúng ta phải nhìn người ăn xin một cách toàn diện, phải giúp đỡ bằng chính sách thì mới thật sự hiệu nghiệm.
Giúp đỡ người hoạn nạn là để họ vượt qua khó khăn tạm thời, vươn lên trong cuộc sống rồi có điều kiện giúp lại người khác. Đó mới là ý nghĩa nhân văn của lòng nhân ái.
Thưa ông, ăn xin có phải là một nghề không? Nó ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa và sự phát triển của một cộng đồng, cụ thể là như Sài Gòn?
Đúng là có nhiều người coi ăn xin là một nghề. Chúng ta không thể giúp đỡ họ cả đời. Thành phố nào cũng có người ăn xin, nhưng một thành phố có quá nhiều người ăn xin là bất thường rồi.
Vậy ông nghĩ thế nào về việc dồn người ăn xin vào trung tâm như nhiều thành phố đang làm?
Cái này là chủ trương đúng nhưng cũng chỉ tạm thời. Tôi nghĩ, đã đưa vào trung tâm thì phải có trách nhiệm đào tạo nghề, tạo việc làm cho họ. Đó mới là giải pháp căn cơ.
Nếu có công việc, bảo đảm cuộc sống thì không cần phải ép buộc, những người ăn xin khác cũng sẽ tự động tìm vào các trung tâm như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Kiến Giang (thực hiện)