Bắc Kinh trả đũa Palau vì không tôn trọng chính sách 'một Trung Quốc'
Quốc tế - Ngày đăng : 06:50, 20/08/2018
Theo Reuters ngày 19.8, ở “thiên đường” du lịch Palau, các phòng khách sạn ế khách, các tour đi tàu tham quan tê liệt và các công ty du lịch phải đóng cửa, vì cuối năm 2017, Trung Quốc cấm các tour du lịch đến đây, với lý do đó là điểm đến trái phép vì Palau không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Vào lúc Bắc Kinh gieo tầm ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương, Palau là một trong 18 đồng minh còn lại của Đài Loan, và đang bị Bắc Kinh ép phải “nhảy tàu” theo Trung Quốc.
Jeffrey Barabe, chủ một khu nghỉ dưỡng, nói: “Đang có tranh luận rằng Trung Quốc vũ khí hóa ngành du lịch. Vài người tin dòng tiền USD được Trung Quốc cho phép đến đây, nhưng nay họ rút tiền về nhằm buộc Palau lập quan hệ ngoại giao”.
Ông còn nói các nhà đầu tư Trung Quốc trước năm 2017 đã có được thỏa thuận thuê đất 99 năm, để xây 60 dự án khách sạn, nhưng nay họ bỏ dở công trình.
Trong khi đó, “cò nhà đất” Jackson M. Henry từng giúp các công ty Trung Quốc thuê đất của các cộng đồng địa phương, nói ông đang cố gắng lập kênh tiếp xúc, để giúp nguồn đầu tư từ Trung Quốc quay lại, trước khi Palau tổ chức bầu cử tổng thống năm 2020, mà ứng cử viên Surangel Whipps thân cận giới doanh nghiệp được cho là có thể trúng cử.
Henry từng là Đại diện ngoại giao củaPalau ở Đài Loan (TQ), nói Palau muốn là bạn của cả Đài Loan lẫn Trung Quốc: “Các thân chủ Trung Quốc của tôi đang chờ có chính phủ kế tiếp, để cải thiện quan hệ với Hoa lục”.
Đòn “di tản chiến thuật” của Trung Quốc
Trước khi có lệnh cấm của Bắc Kinh, du khách Trung Quốc chiếm một nửa số du khách đến Palau: trong 122.000 lượt khách năm 2017 là 55.000 du khách Trung Quốc và 9.000 người Đài Loan, theo số liệu chính thức.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng ồ ạt tìm đến xây khách sạn, mở chỗ làm ăn và mua hàng loạt lô đất ven biển.
Sau lệnh cấm, tại khu trung tâm Koror của Palau, “đòn di tản chiến thuật” tức sự rút lui của người Trung Quốc rất rõ ràng: khách sạn, nhà hàng vắng khách, tàu tham quan Đảo Đá xanh tươi của các công ty du lịch phải nằm bờ.
“Đòn chưởng” của Bắc Kinh nặng đến mức hồi tháng 7, hãng hàng không Palau Pacific Airways phải tuyên bố kết thúc các chuyến bay đến Trung Quốc (mất 4 giờ bay) kể từ cuối tháng 8 này.
Hãng bay này do Đài Loan kiểm soát, đã phải trải nghiệm việc giảm 50% vé đăng ký từ khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, nói: “Bắc Kinh đã cố chặn hoặc giảm dòng du khách đến Palau”.
Trung Quốc từng dùng chiêu cấm du lịch làm công cụ ngoại giao, năm ngoái chặn các tour đi Hàn Quốc, sau khi Seloul cho phép Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Khi Reuters hỏi có phải Bắc Kinh liệt Palau vào điểm đến trái phép nhằm gây sức phải hủy quan hệ ngoại giao với Đài Loan hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chung chung mà không nói đến Đài Loan: “Việc lập quan hệ với nước khác phải theo nguyên tắc “Một Trung Quốc”, và đó là điều kiện tiên quyết vàlà nguyên tắc chính trị để Trung Quốc duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước khác trên thế giới”.
Nguyên tắc “Một Trung Quốc” là chính sách chủ đạo của Bắc Kinh, qua đó khẳng định Đài Loan là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”.
Theo Reuters, cơ quan ngoại giao Đài Loan nói trong hai năm qua, Trung Quốc đã lôi kéo 4 nước để họ đổi công nhận ngoại giao từ Đài Bắc qua Bắc Kinh, bằng những gói viện trợ “hào phóng” và đầu tư.
Trang web của cơ quan này viết: “Trong khi Đài Loan đối mặt với các thách thức nghiêm trọng về ngoại giao, chính quyền sẽ không quyhàng trước sức ép của Bắc Kinh. Đài Loan sẽ làm việc với các đối tác, để duy trì hòa bình - ổn định khu vực, và bảo đảm vị thế chính đáng của chúng ta trong cộng đồng quốc tế”.
Palau chuyển hướng đón dòng du khách cấp cao
Tổng thống Palau, ông Tommy Remengesau nói Bắc Kinh không liên lạc chính thức về vấn đề cấm du khách Trung Quốc đến đảo quốc của ông: “Việc Trung Quốc muốn chúng tôi và các đối táccủa Đài Loan chuyển qua quan hệ với họ, nhưng Palau sẽ không có chuyện chọn theo chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.
Ông Remengesau sẽ mãn nhiệm kỳ thứ hai (và cuối cùng) vào cuối tháng 1.2021, nói Palau hoan nghênh nguồn đầu tư và du khách từ Trung Quốc đến, nhưng quan điểm dân chủ và nguyên tắc hiện nay của chính phủ của ông là thân cận hơn với Đài Loan.
Vị Tổng thống còn nói Palau đã thích ứng với chiêu trò của Bắc Kinh, bằng cách chú trọng vào dòng du khách cao cấp chịu chi tiền, thay cho dòng du khách tập thể bình dân Trung Quốc vốn chỉ giỏi tàn phá môi trường.
Một điểm đến du lịch nổi tiếng của Palau là Hồ Sứa (hồ nước mặn) đã phải đóng cửa năm 2017, sau khi một số đông người bơi bị trách góp phần hủy diệt loài sứa của hồ.
Tổng thống Remengesau năm 2015 từng tuyên bố đa phần lãnh hải Palau là một khu bảo tồn thiên nhiên biển to ngang bang California của Mỹ. Ông nói với Reuters: “Thực tế là số du khách tập thể không có nghĩa đem lại nguồn thu lớn cho Palau. Sự cố đó càng khiến chúng tôi quyết tâm theo đuổi chủ trương chất lượng hơn số lượng”.
Du khách Trung Quốc ở Hồ Sứa của Palau - Ảnh: SCMP
Bắc Kinh cố gắng “xi măng hóa” tầm ảnh hưởng
Báo cáo An ninh hồi tháng 6 của Ủy ban Xét duyệt Kinh tế - An ninh Mỹ - Trung nói: Bắc Kinh đã tăng hoạt động kinh tế ở Thái Bình Dương vì các mục tiêu chiến lược và ngoại giao, gồm giảm sự hiện diện cấp quốc tế của Đài Loan, tiếp cận các nguồn tài nguyên của các nước trong khu vực Thái Bình Dương, và phát triển lực lượng hải quân có thể hoạt động xa bờ nhằm bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài.
Các quan chức chính phủ tiền nhiệm của Palau nói Bắc Kinh đang cố gắng gieo tầm ảnh hưởng, trước khi các thỏa thuận Trợ cấp trọn gói giữa Mỹ với Quần đảo Marshall, Nhà nước liên bang Micronesia và Palau hết hiệu lực từ năm 2023 và năm 2024.
Với các thỏa thuận này, Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ và mỗi năm trợ cấp trung bình 200 triệu USD cho mỗi trong 3 nước thành viên LHQ này.
Hồi cuối năm 2017, Mỹ duyệt chi 124 triệu USD viện trợ cho Palau đến năm 2024, nhưng không thông báo gia hạn thỏa thuận với Palau.
Các cựu quan chức chính phủ Micronesia cũng nói: Bắc Kinh còn muốn đem dự án Vành Đai vàCon Đường (BRI) đến Palau, và có thể cung cấp một nguồn đầu tư quan trọng, một khi các thỏa thuận với Mỹ hết hiệu lực.
Cựu Tổng thống Palau, ông Johnson Toribiong nói: “Chúng tôi cần thu hút các nhà đầu tư, và đó là lý do chính trong quan hệ Palau - Trung Quốc”.
Ông Toribiong mãn nhiệm năm 2013, còn nói Palau chớ nên tự cô lập: “Tôi thích Đài Loan, nhưng ngay cả người Đài Loan cũng muốn Trung Quốc. Các doanh nhân cũng thế, họ không sợ hậu quả chính trị. Cần phải nghĩ đến kinh tế chứ”.
Mỗi năm, Đài Loan hỗ trợ 10 triệu USD cho Palau, cùng các học bổng giáo dục và y tế.
Tổng thống Remengesau nói Palau chưa nói chuyện chính thức với Bắc Kinh về khoản viện trợ (sau khi thỏa thuận với Mỹ hết hiệu lực), nhưng chính phủ đã bàn nội bộ về chuyện này.
Vĩnh Thụy (theo Reuters)