Nguyên bí thư tỉnh Hồ Xuân Mãn khai man anh hùng vì... 1 triệu đồng/tháng?
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 05:53, 30/10/2014
Các cựu chiến binh thì cho rằng, 4 năm nay, từ ngày được nhận danh hiệu AHLLVT, ông Hồ Xuân Mãn vẫn được lương hưu AHLLVT và được người thân nhận giúp tại phường Thuận Hòa, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Vì vậy, số tiền này cần truy thu trả lại cho nhà nước.
Theo ông Giang Thanh, có lẽ sắp tới cơ quan chức năng sẽ ngừng phát tiền AHLLVT cho ông Mãn. “Một tháng sau, anh quay lại thì tôi sẽ trả lời anh có trả tiền anh hùng cho ông Mãn nữa hay không”, ông Giang cho hay.
Với số tiền không phải là lớn như vậy, có ý kiến cho rằng đó không phải là lý do chính khiến ông Mãn bằng mọi cách có được danh hiệu AHLLVT. Như vậy, vì sao ông Mãn say sưa danh vọng đến nổi làm bằng mọi cách để được làm anh hùng? Vấn đề chỉ có thể giải thích bằng sự tham danh.
Ai đã tiếp tay?
Ông Hoàng Văn Phận, nguyên trung đội trưởng Công binh lực lượng vũ trang huyện Phong Điền thời kỳ 1966-1967 cho rằng, danh hiệu cao quý của Nhà nước trao nhầm người, lỗi chính là người khai đã bịa đặt. Nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm, sai phạm của cá nhân, tập thể vì sao không biết công trạng của ông Mãn thế nào cũng đặt bút phê, để lọt hồ sơ giả.
Thậm chí, một số lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế từng khẳng định việc xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc. Thế nhưng, những cựu binh đứng đơn tố cáo nói hồ sơ này đi trái nguyên tắc, làm từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên (cơ sở đề nghị, cấp trên xét duyệt).
Ông Hoàng Phước Sum, một cựu chiến binh thẳng thắn: “Ông Hồ Viết Bá, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, lúc đó là chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã ký xác nhận vào bản báo cáo thành tích của ông Mãn. Việc làm này không đúng thẩm quyền vì ông Bá không phải là cấp trên của ông Mãn và ông Bá cũng không hoạt động cùng thời với ông Mãn”.
Còn thượng tá Nguyễn Văn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Phong Điền (đã nghỉ hưu) viết xác nhận: “Khi đang đương chức, là Chỉ huy trưởng, tôi có ký hồ sơ của ông Mãn và một số người khác. Tôi có đọc thành tích của ông ấy nhưng lâu rồi nên không nhớ hết”.
Việc ký xác nhận thành tích này đáng ra phải có bản lưu tại huyện đội, tuy nhiên, theo vị thượng tá này thì ông chỉ biết ký chứ không có hồ sơ lưu.
Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, vừa bị tước danh hiệu AHLLVT
Chiều 27.10, phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Bùi Thanh Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để nắm thông tin thì ông Hà nói: “Việc này của Thường vụ, không phải của Ủy ban Kiểm tra, anh điện cho Thường vụ ấy”.
Chúng tôi liên lạc với ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhưng ông Bình bảo đang bận họp, sẽ gọi lại sau. Chờ mãi không thấy ông Bình gọi, chúng tôi gọi lại để đặt lịch làm việc thì ông Bình không nghe máy.
Bịa đặt, cướp công của đồng đội
Trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ ba vào ngày 21.8.2010, ông Hồ Xuân Mãn được trao tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân (gọi tắt là danh hiệu Anh hùng). Đây là vinh dự lớn không chỉ của ông Mãn mà đối với toàn thể nhân dân cố đô Huế. Một tháng sau, ông Mãn về hưu sau 2 nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy (2000-2010).
17 thành tích mà ông Mãn khai chỉ đúng có 2. Nhưng 1 trong 2 thành tích lại gây hậu quả xấu. Và 15 thành tích còn lại đều là bịa đặt, gian dối.
Ngày 2.1.2014, đoàn công tác Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) Đảng có buổi làm việc thông báo kết luận với nội dung: Ban thi đua - khen thưởng T.Ư báo cáo các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền xem xét hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng của ông Mãn; đồng thời UBKT T.Ư chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong việc xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn.
Theo kết luận của UBKT T.Ư, 17 thành tích mà ông Mãn khai chỉ đúng có hai. Tuy nhiên, một trong hai thành tích lại gây hậu quả xấu, đó là diệt giặc nhưng làm tổn hại đến cách mạng, nhân dân địa phương.
Kết quả trên gây chấn động dư luận, nhưng không làm mọi người bất ngờ bởi chuyện danh hiệu Anh hùng của ông Mãn đã bị nghi ngờ và tố cáo từ lâu. Gần 20 cựu chiến binh, cán bộ hưu trí là những “nhân chứng sống”, những đồng đội, có người là chỉ huy của ông Mãn tố cáo ông cựu bí thư khai man, bịa đặt, cướp công đồng đội để được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Một anh hùng dỏm bị tước danh hiệu, gây chấn động đất cố đô và cả nước.
P.V