Canada ngao ngán khi Mỹ và Anh không bênh vực trong lúc bị Saudi trừng phạt

Quốc tế - Ngày đăng : 07:33, 10/08/2018

Theo trang The Star của Canada, trong lúc này, rất ít quốc gia đã đứng ra ủng hộ Canada trong căng thẳng với Ả Rập Saudi. Cả Mỹ và Vương quốc Anh đều từ chối ủng hộ quan điểm của Ottawa, điều khiến Trudeau hôm thứ Tư phải nhún vai ngao ngán: “Mọi quốc gia đều có quyền đưa ra quyết định riêng của mình và tự mình lựa chọn chính sách ngoại giao”.

Xuất phát từ những chỉ trích của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland về chính sách nhân quyền của Ả Rập Saudi đối với các nhà hoạt động xã hội, phía Riyadh đã có phản ứng mạnh mẽ hiếm thấy. Ả Rập Saudi đã ra lệnh trục xuất đại sứ Canada tại Riyadh, triệu hồi đại sứ của mình từ Ottawa. Không chỉ là trả đũa ngoại giao, Ả Rập Saudi còn đánh mạnh vào kinh tế Canada khi lên phương án đình chỉ mọi đầu tư vào Canada, hủy các chặng bay tới Canada, rút toàn bộ du học sinh cũng như các bệnh nhân đang điều trị tại Canada.

Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau tỏ ra cứng rắn khi cho biết tình hình kinh tế Canada chưa có biến động đáng kể nào trước mắt. Tuy nhiên, trong lâu dài thì tác động chắc chắn sẽ không nhỏ. Hiện có 15.000 du học sinh Saudi tại Canada, dù con số này chỉ chiếm 3% lượng du học sinh tại Canada nhưng họ lại là những người chịu chi nhất trong 'ngành thương mại giáo dục' mang về 15 tỉ USD cho Canada mỗi năm. Canada còn đang kỳ vọng Saudi sẽ sớm hoàn tất bản hợp đồng 15 tỉ USD khác trong việc mua vũ khí. Nguy hiểm hơn là tương lai, việc cung cấp dầu từ Ả Rập Saudi cho nền công nghiệp của Canada cũng bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng ngoại giao Saudi Adel al-Jubeir nói với các phóng viên ở Riyadh tuần này rằng phía Canada đã được cung cấp thông tin cần thiết để "chỉnh sửa các tweet" và đã đến lúc Canada cần sửa sai. Có thể hiểu Ả Rập Saudi cảm thấy bẽ mặt trước các chỉ trích từ Canada nên ngầm ra điều kiện hạ nhiệt cuộc khủng hoảng ngoại giao là Canada phải xuống nước bằng cách tự sửa các tweet khiến Riyadh không hài lòng.

Tuy nhiên, Canada cũng đẩy cao vấn đề khi coi đây không chỉ là tweet mà còn là thông điệp mang tính quốc gia và thủ tướng Justin Trudeau coi đó như thể diện của Canada. Ông Trudeau nói rằng ông sẽ không rút lại lời chỉ trích của Canada với Saudi trong việc bắt giữ một số nhà hoạt động xã hội hồi tuần trước, cũng như ông sẽ không xin lỗi vì bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Saudi. Trudeau hôm thứ Tư cho biết: “Người Canada luôn mong đợi chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ, vững chắc, rõ ràng và văn minh về sự cần thiết phải tôn trọng nhân quyền ở trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho các giá trị Canada, cho các giá trị phổ quát và nhân quyền bất cứ khi nào có cơ hội".

Theo trang The Star của Canada, các chuyên gia cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Ả Rập Saudi đối với Canada khiến các nước khác suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu về các vấn đề nhân quyền, đặc biệt là khi họ chưa quan sát hết thái độ của đồng minh.

Trong lúc này, rất ít quốc gia đã đứng ra ủng hộ Canada (vì ngại liên lụy?). Cả Mỹ và Vương quốc Anh đều từ chối ủng hộ quan điểm của Ottawa, điều khiến Trudeau hôm thứ Tư phải nhún vai ngao ngán: “Mọi quốc gia đều có quyền đưa ra quyết định riêng của mình và tự mình lựa chọn chính sách ngoại giao”.

Trong khi đó, lại có một số quốc gia khác đã đứng về phía Saudi để ngầm chỉ trích Canada vì những gì mà họ cho là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ nước khác. Nga hôm thứ tư cho biết Saudi đang trên con đường "cải cách kinh tế xã hội quy mô lớn" và nên tự có quyết định riêng của mình về vấn đề nhân quyền.

"Chúng tôi vẫn luôn nói rằng chính trị hóa các vấn đề nhân quyền là không thể chấp nhận được... Điều mà một người nên làm trong tình huống này là tư vấn và hỗ trợ mang tính xây dựng hơn là chỉ trích kiểu "lên mặt đạo đức", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova phát biểu đồng thời hy vọng hai nước tìm ra giải pháp" văn minh" xử lý tranh chấp.

A.T

Anh Tú