Điểm chuẩn các trường giảm mạnh, các chuyên gia lo lắng về chất lượng đào tạo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:37, 07/08/2018
Điểm chuẩncủa các trường top đầu giảm mạnh
Theo ghi nhận chung, hầu hết điểm chuẩn của các trường năm nay đều giảm mạnh so với năm ngoái, đặc biệt là các trường top đầu. Ví dụ như ở khối quân đội, nếu như năm 2017, dư luận xôn xao với thông tin 30 điểm còn không đỗ Học viện cảnh sát nhân dân thì năm nay với số điểm 18 cũng có thể đỗ vào học tại trường này.
Cùng với khối ngành công an, quân đội, khối ngành y, dược cũng được đánh giá là thuộc top đầu “chật vật” đối với hầu hết sĩ tử hàng năm. Cụ thể, năm 2017, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn đứng đầu là 29,25 với ngành Y đa khoa. Đây được xem là ngành hot nhất của trường và liên tục có điểm chuẩn cao. Năm 2016, mức điểm trúng tuyển của ngành là 27 nhưng đến năm 2018, con số này giảm xuống chỉ còn 24,75, mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, thậm chí có ngành tuyển sinh chỉ ở mức 18 điểm là đỗ vào ĐH Y Hà Nội. Năm nay cũng là năm đầu tiên các trường được tự chủ lấy điểm sàn (đầu vào), nên một số trường địa phương lấy điểm chuẩn khá thấp, có trường chưa đến 15 điểm/3môn.
Theo đánh giá của nhiều người, do đề thi năm nay khó hơn, điểm trúng tuyển của hầu hết các trường đều giảm ở các ngành tương ứng so với năm ngoái. Thậm chí nhiều ngành như y dược, điểm trúng tuyển còn giảm tới 7 - 8 điểm/3 môn xét tuyển. Theo đó, các thí sinh chỉ cần 18-19 điểm là có thể trúng tuyển một số ngành nghề đang được ưa chuộng hoặc các trường top đầu so với các năm trước.
Hạ điểm chuẩn có ảnh hưởng chất lượng đầu vào?
Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia với hàng loạt lùm xùm gian lận điểm thi ở một số địa phương khiến công tác xét tuyển đầu vào của các trường top đầu còn nhiều sự băn khoăn, lo lắng về chất lượng đầu vào. Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, các trường ĐH mong muốn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, do đó điểm đầu vào của các trường rất quan trọng. Hiện nay, có nhiều ý kiến về đề thi, đề thi theo mục đích hướng đến xét tuyển tốt nghiệp THPT cho học sinh. Điều này là cần thiết, nhưng chưa đủ. Đề thi làm sao phải đạt yếu tố phân loại học sinh tốt nghiệp, học sinh khá, học sinh giỏi, như thế mới không ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào của các trường.
Các thí sinh vui mừng trước kết quả của mình - Ảnh minh họa
“Bộ GD-ĐT nên rút kinh nghiệm trong khâu ra đề, có sự phản biện, tránh hiện tượng đề thi năm này dễ, năm khác khó; có sự tin tưởng để các trường dựa vào đó làm căn cứ xét tuyển vào ĐH. Công tác tổ chức, chấm thi không thể thiếu sự tham gia của các trường ĐH, tránh hiện tượng địa phương nào chấm địa phương đó. Để đảm bảo nghiêm túc, khâu chấm thi có thể chấm chéo, chấm theo cụm. Bài thi trắc nghiệm cần có sự cải tiến về công nghệ thông tin, tránh hiện tượng gian lận trong khâu chấm điểm, nâng điểm thi của thí sinh”, GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị.
Lý giải về mức điểm chuẩn giảm, PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường ĐHY Hà Nội) nhận định: Một phần do điểm chuẩn khối B (toán, hóa học, sinh học) năm nay thấp hơn so với năm trước, phần còn lại do quy định của Bộ GD-ĐTvề việc điều chỉnh giảm mức điểm ưu tiên giữa các khu vực chỉ còn 1/2 so với năm trước. Nếu như năm trước, thí sinh ở khu vực 1 được hưởng mức điểm ưu tiên là 1,5 điểm, thì năm nay chỉ còn 0,75 điểm; khu vực 2 giảm từ 1,0 điểm xuống 0,5 điểm, khu vực 2 nông thôn từ 0,5 điểm xuống 0,25 điểm. Việc giảm mức điểm ưu tiên năm nay là phù hợp bởi khoảng cách về điều kiện sống giữa các địa bàn đã được thu hẹp, đồng thời cũng tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng “đầu vào”.
Trả lời báo chí về hàng loạt sự gian lận tại các tỉnh có ảnh hưởng tới các trường top trên trong việc tuyển sinh hay không, TS Lê Viết Khuyến -nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, khi xảy ra các vụ việc tiêu cực, cần phải tổ chức xử lý nghiêm, có công khai. Ngoài ra, tăng cường giám sát thì mới có thể khắc phục được những tồn tại, yếu kém của kỳ thi và các trường top đầu cần có sự sàng lọc thí sinh một lần nữa, tránh ảnh hưởng tới quá trình đào tạo của nhà trường trong những năm tiếp theo.
Theo quy định của Bộ GD-ĐTtừ ngày 7 đến trước 17 giờngày 12.8, các thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển phải xác nhận nhập học đợt 1. Đây là thủ tục bắt buộc trong việc đăng ký xét tuyển đối với các thí sinh. Dựa vào dữ liệu này, các trường tổng hợp và quyết định việc có tổ chức tuyển sinh đợt 2 hay không. Từ ngày 15.8, nếu còn thiếu chỉ tiêu, các trường sẽ tổ chức xét tuyển đợt 2. Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 cần bám sát các thông tin về việc xét tuyển bổ sung trên website của các trường và chỉ được tham gia xét tuyển khi chưa đăng ký xác nhận nhập học trong đợt 1 ở bất kỳ trường nào.
Dạ Thảo