EU lấy làm tiếc vì Mỹ tái trừng phạt Iran
Quốc tế - Ngày đăng : 10:01, 07/08/2018
Chỉ 3 tháng sau khi ông Trump đơn phương chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ đã tái khởi động một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào quốc gia Trung Đông. Một đợt trừng phạt tiếp theo sẽ được Mỹ thực hiện trong 3 tháng tới, theo ông Trump.
"Thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận tồi tệ, một mặt nó không đạt được mục tiêu cơ bản là chặn khả năng Iran có bom hạt nhân và mặt khác nó ném một khoản tiền khổng lồ vào mặt chế độ độc tài giết người vốn đang tiếp tục gây đổ máu, bạo lực và hỗn loạn", ông Trump nói, khi tuyên bố tái trừng phạt Iran.
"Kể từ khi thỏa thuận này được ký, sự xâm lược của Iran chỉ tăng lên. Chế độ này sử dụng số tiền theo JCPOA (Kế hoạch hành động toàn diện chung) để chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, quỹ khủng bố và gây xung đột trên khắp Trung Đông và xa hơn nữa", ông Trump nói thêm.
Tuy nặng lời với Iran, nhưng Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với Iran rằng nước này nên chú ý đến thực tế rằng ông Trump đã nói ông sẵn sàng đàm phán với họ.
"Họ có thể đưa ra các đề nghị để tổng thống có thể thương lượng với họ nhằm từ bỏ tên lửa đạn đạo và chương trình vũ khí hạt nhân của họ một cách đầy đủ và có thể xác thực được", ông Bolton nói với Fox News.
Theo ông Bolton thì phía Iran phải chủ động ngồi xuống bàn đàm phán với Washington, trong thời điểm đó thì các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ được duy trì.
Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani trả lời rằng Iran chỉ có thể đàm phán với Mỹ nếu Washington tỏ ra là họ đáng tin cậy. Ông Rouhani ngụ ý rằng nếu Mỹ quay trở lại thực hiện thỏa thuận hạt nhân và bỏ trừng phạt thì con đường đàm phán sẽ được mở ra.
"Nếu bạn đâm người khác bằng dao, xong rồi lại nói bạn muốn nói chuyện, thì trước tiên là phải bỏ con dao đi đã", ông Rouhani nói trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia Iran.
"Chúng ta luôn ủng hộ ngoại giao, đàm phán... Nhưng những cuộc đàm phán cần phải có sự trung thực. Sẽ có áp lực từ trừng phạt, nhưng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn này với sự đồng lòng", ông Rouhani nói thêm, kêu gọi người dân đoàn kết trước khó khăn sắp tới.
Sau khi Mỹ bất ngờ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5. Các nước còn lại đã ký thỏa thuận này gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và EU,đã cam kếtsẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận và tiếp tục giao thương với Iran.
Nhóm ngoại trưởng EU ngay lập tức đưa ra tuyên bố chung nói rằng họ cảm thấy rất hối tiếc vì Mỹ trừng phạt Iran, nhóm cũng khẳng định Tehran đang tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân kể cả khi Mỹ đơn phương rút lui.
Thiên Hà (theo Independent)