Đảo Lý Sơn và những điều có thể bạn chưa biết
Du lịch - Ngày đăng : 10:12, 04/08/2018
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý, được tách ra từ huyện Bình Sơn vào năm 1992.
Huyện gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, còn gọi cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Diện tích của huyện ngót 10 km² với dân số hơn 2 vạn người, được chia làm 3 xã: An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé).
Lý Sơn còn có tên là cù lao (đảo) Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây ré” và vì trên đảo trập trùng nhiều núi nhỏ. Ré (gừng dại, gừng gió) hay còn gọi là thảo đậu khấu - là loại cây dược liệu, danh pháp khoa học là Alpinia katsumadai cùng thuộc họ gừng (Zingiberaceae) với gừng, nghệ, riềng, ngải, sa nhân... trước đây mọc hoang khắp đảo, hiện nay rải rác vẫn còn.
Trong các văn bản Hán tự, vì không có chữ Ré, nên người ta mượn chữ Lý để kí âm chữ Ré. Dần dà theo thời gian, đảo Ré đã bị gọi thành đảo Lý, trong khi dân gian vẫn giữ nguyên tên gọi cũ. Từ đó cùng song song tồn tại 2 tên gọi đảo Lý Sơn và cù lao Ré, trong đó Lý Sơn là tên huyện, được ghi chính thức trong các văn bản hành chính.
Có ý kiến khác cho rằng địa danh Lý Sơn “núi cá chép”, trong đó Lý (鯉) nghĩa là “cá chép” còn sơn (山) là “núi”, xuất phát từ một truyền thuyết dân gian. Chuyện kể rằng ngày xưa vùng biển này đẹp như tiên cảnh. Trong lần ngao du xuống hạ giới, một tiên nữ phải lòng chàng ngư phủ và trót có con nên khi đến hạn về trời, nàng cứ nấn ná không thể bỏ con mà đi. Bị hối thúc quá nàng bèn đưa con khẩn cầu với Ngọc Hoàng, rằng không thể rời bỏ con, đành nhận tội bất hiếu. Ngọc Hoàng giận dữ, biến mẹ con thành đá. Những khối đá lớn dần theo năm tháng như mối tình thủy chung son sắt, cái chết cũng không thể chia lìa tình cảm gia đình.
Nhìn từ trên cao, quả thật đảo Bé và đảo Lớn trông hao hao như cặp cá chép khổng lồ bơi bên nhau giữa trùng dương mênh mang.
Huyện đảo được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt, hàm lượng allicin luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác.
Điểm tham quan ý nghĩa nhất ở Lý Sơn là “Nhà trưng bày Hoàng Sa”.
Ngay trong khuôn viên trước sân nhà trưng bày, sừng sững cụm tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” bằng chất liệu đá xanh, uy nghiêm, vĩnh cửu, thách thức với mưa nắng thời gian, vừa được khánh thành năm 2010 cao hơn 4 mét. Tượng đài khắc họa 3 nhân vật lịch sử: Vị đứng giữa là viên cai đội với một tay chỉ thẳng về hướng biển Đông, một tay nắm chắc cột mốc chủ quyền khắc 4 chữ Hán “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai dân binh, một người cầm giáo, một người khoác lưới trên tay. Đó chính là những đại diện của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã làm chủ quần đảo Hoàng Sa từ cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII.
Phía sau cụm tượng đài là “Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải” rộng gần 400m2, trưng bày hàng trăm tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Đến với Lý Sơn, chúng ta cảm thấy tự hào hơn về khí phách, ý chí kiên cường của các bậc tiền nhân đất Việt; càng thêm yêu đất nước tươi đẹp của mình và hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc thân yêu.
Đỗ Thành Dương