Chụp cắt lớp vi tính làm tăng nguy cơ u não
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:47, 24/07/2018
Theo ấn phẩm Science Daily, một nhóm nghiên cứu quốc tế do Michael Hauptmann ở Viện ung thư Hà Lan dẫn đầu, đã báo cáo về kết quả của nghiên cứu mới khẳng định chụp cắt lớp vi tính làm tăng nguy cơ phát triển các khối u não.
Được biết, chụp cắt lớp vi tính (CT) là một trong những kỹ thuật hình ảnh được sử dụng thường xuyên nhất. Chụp cắt lớp vi tính được các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sử dụng, đó là các nhà sinh vật học, các nhà khảo cổ và tất nhiên là các bác sĩ.
Chụp cắt lớp vi tính mở rộng đáng kể khả năng chẩn đoán y tế và nhờ vậy, làm tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, việc nghiên cứu các cơ quan nội tạng của con người thường được thực hiện bằng cách sử dụng tia X.
Thực tế này khiến các bác sĩ lo ngại, mặc dù chụp cắt lớp vi tính gây bức xạ tối thiểu so với các loại chẩn đoán bức xạ khác. Tuy nhiên, có những nhà khoa học cho rằng trẻ em và thanh thiếu niên nhận được liều cao hơn của bức xạ dễ bị tổn thương, dẫn đến phát triển của bệnh ung thư. Đặc biệt, đó là khối u não ác tính cũng như bệnh bạch cầu.
Để kiểm tra giả thuyết này và đánh giá các rủi ro, nhóm nghiên cứu của Hauptmann đã tiến hành một nghiên cứu bao quát hơn với 168.000 trẻ em và thanh thiếu niên Hà Lan dưới 18 tuổi. Từ năm 1979 đến năm 2012, tất cả họ đều trải qua một hoặc nhiều lần chụp cắt lớp vi tính. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu y tế của tất cả những bệnh nhân này. Họ quan tâm đến các trường hợp ung thư, cũng như có bao nhiêu người đã chết trong thời gian này và vì lý do gì.
Kết quả là tỷ lệ mắc ung thư tổng thể ở những người tham gia cao gấp 1,5 lần so với dự kiến. Các chuyên gia thực sự tìm thấy mối liên hệ giữa chụp cắt lớp vi tính và sự phát triển các khối u não nhiều dạng khác nhau. Như vậy, liều chiếu xạ càng cao thì nguy cơ xuất hiện một căn bệnh khủng khiếp càng cao. Ở những bệnh nhân đã chụp cắt lớp vi tính nhiều lần, nguy cơ phát triển ung thư tăng gấp 2 đến 4 lần.
Nhưng đối với bệnh bạch cầu thì khác: chiếu xạ, dường như không có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của khối u và sự trục trặc trong hoạt động của các tế bào máu và tủy xương.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, một số trẻ em vẫn bắt buộc phải chụp cắt lớp vi tính nếu chúng bị nghi mắc ung thư.
Michal Hauptmann kết luận trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute rằng, đánh giá của nhóm nghiên cứu quốc tế do ông hướng dẫn cũng như những dữ liệu từ các nghiên cứu khác cho thấy,tiếp xúc bức xạ trong thủ tục chụp cắt lớp vi tính làm tăng nguy cơ u não. Để giảm thiểu những rủi ro cần phải thận trọng khi chỉ định chụp cắt lớp cho trẻ em và tối ưu hóa liều bức xạ được thực hiện trong nhiều bệnh viện.
Vũ Trung Hương