Bộ GD-ĐT tiếp tục chấm thẩm định lại kết quả thi tại Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:10, 22/07/2018
Sáng 22.7,ba tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã triển khai chấm thẩm định kết quả thi THPT quốc gia 2018 tại các hội đồng thi của tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre theo chủ trương của Bộ GD-ĐT. Theo quy chế thì hội đồng chấm thẩm định sẽ quyết định điểm chính thức của bài thi là điểm gốc hay điểm sau khi chấm thẩm định.
Các tổ công tác của Bộ GD-ĐT được thành lập bởi Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ bắt đầu việc kiểm tra, xác minh những dấu hiệu bất thường về điểm thi tại tỉnh Hòa Bình, Bến Tre và Lâm Đồng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.
Theo thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD-ĐT công bố trước đó cho thấy tỉnh Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thí sinh đạt từ điểm 9 trở lên của các môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh đạt trên 27 điểm ở một số khối thi chiếm tỉ lệ cao.
Với hơn 8.900 thí sinh dự thi môn Toán của tỉnh Hòa Bình thì có đến 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm tỉ lệ 0,3%, cao gấp 5 lần tỉ lệ chung của cả nước là 0,06%, đáng chú ý là điểm thi trung bình môn Toán của Hòa Bình nằm trong tốp thấp nhất cả nước với 3,7 điểm, thấp hơn rất nhiều so với mức điểm trung bình chung của cả nước là 4,86. Ở môn Lý và Hóa, kết quả cũng tương tự như vậy. Nếu xét điểm thi theo tổ hợp khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh), cả nước có 82 thí sinh đạt mức điểm 27 trở lên, tức trung bình mỗi môn đạt 9 điểm thì Hòa Bình cũng có 9 thí sinh trong danh sách này, chiếm 11%.
Nếu xét ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước chỉ có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên thì Hòa Bình có 2 thí sinh. Ở tổ hợp D09 (Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ), cả nước có 10 thí sinh có mức điểm trên 27 điểm thì Hòa Bình cũng có 4 thí sinh. Điều này dấy lên nhiều nghi ngờ của của báo chí và dư luận về những bất thường điểm thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương này.
Liên quan tới công tác chấm thẩm định bài thi kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Cụ thể, trong một kỳthi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định. Thực tế, gần như năm nào cũng tổ chức chấm thẩm định, chúng ta có thể lựa chọn một số tỉnh để chấm thẩm định. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, việc này dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu thi và dựa theo những tiêu chí nhất định.
Với những lý do nêu trên, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh: Chấm thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ GD&ĐT có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi.
Như vậy, hiện tại ngoài Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, các tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện công tác chấm thẩm định kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre.
Dạ Thảo