Mỹ mở chiến tranh thương mại với một trong những quốc gia nghèo nhất
Quốc tế - Ngày đăng : 06:32, 15/07/2018
Chính quyền Mỹ đang có một loạt những cuộc chiến thương mại khác nhau với các nước trên thế giới, từ những đồng minh thân cận như Canada, EU cho đến những đối thủ kinh tế chính như Trung Quốc. Lý do chính dẫn đến những cuộc chiến thương mại này là do chính sách "Nước Mỹ trên hết" được thực hiện dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, ngoài những cuộc chiến thương mại với các đối tác lớn, Mỹ cũng đang phát động những cuộc chiến khác chống lại các quốc gia nhỏ hơn, thậm chí là cả những quốc gia thuộc diện nghèo nhất thế giới.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Rwanda diễn ra là vì chính phủ của Tổng thống Donald Trump cảm thấy thất vọng với việc nước này tăng thuế lên mặt hàng quần áo đã qua sử dụng của Mỹ.
Cụ thể, hồi đầu năm nay Rwanda tăng thuế nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng từ Mỹ từ mức 0,25 USD/kg lên mức 2,5 USD/kg, nước này cũng đang xem xét cấm nhập khẩu mặt hàng này vào năm 2019.
Lý do Rwanda muốn dừng nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng từ Mỹ là vì quốc gia châu Phi này muốn khôi phục sản xuất kinh tế, vốn đã đình trệ kể từ khi nạn diệt chủng hồi năm 1994 khiến 800.000 người dân nước này thiệt mạng diễn ra.
Vụ diệt chủng tại Rwanda diễn ra khi chính quyền của tộc người Hutu muốn diệt toàn bộ người Tutsi thiểu số. Trong khoảng 100 ngày từ ngày 7.4.1994 đến giữa tháng 7 cùng năm có 800.000 người Tutsi bị tàn sát, tương đương 70% số người Tutsi và 10% dân số Rwanda.
Quyết định tăng thuế với quần áo đã qua sử dụng khiến Washington giận dữ. Hồi tháng 3, Đại diện thương mại Mỹ đã cảnh báo Rwanda rằng nước này sẽ mất một số lợi ích theo Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA), một đạo luật thương mại giữa Mỹ với châu Phi. Bất chấp thực tế rằng kim ngạch nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng từ Mỹ tới Rwanda chỉ khoảng 17 triệu USD một năm.
"Tổng thống của chúng tôi đưa ra quyết định nhấn mạnh cam kết của mình để thực thi luật thương mại và đảm bảo sự công bằng trong các mối quan hệ thương mại của chúng tôi", Đại diện Thương mại Mỹ CJ Mahoney cho biết, cảnh báo Rwanda có 60 ngày để xem lại quyết định của mình. Tuy nhiên, Rwanda đã từ chối thực hiện theo ý Mỹ, khi mà hạn chót đã kết thúc.
"Chúng tôi đang ở trong tình huống phải chọn là giữa việc nhận quần áo cũ và phát triển nền công nghiệp dệt may của riêng mình. Theo quan điểm của tôi, sự lựa chọn thật đơn giản", Tổng thống Rwanda, Paul Kagame tuyên bố ngày 13.7.
Chưa rõ rằng Mỹ sẽ leo thang trừng phạt Rwanda đến mức nào, khi nước này rõ ràng đã bày tỏ ý không muốn nghe theo Washington.
Thiên Hà (theo RT)