Những quyết định thần tốc 'giúp Ecopark đánh úp' nông dân Văn Giang

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:53, 11/07/2018

Ngày 10.7.2018, hơn 150 nông dân mất đất ở các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao lại lên Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) ở đường Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu họ lên các cơ quan ở Thủ đô khiếu kiện.

Mệt mỏi, bức xúc và chán nản, nhưng họ vẫn phải tiếp tục đi bởi hàng loạt bản "tấu chương" về những khuất tất của Dự án Độ thị Thương mại Du lịch Văn Giang (Ecopark) từ hơn chục năm qua vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Những quyết định thần tốc "đánh úp" nông dân

Đến tận hơn 10 năm sau khi những cánh đồng vàng ở các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao bị xóa sổ, những người nông dân mất đất ở xứ này dường như vẫn còn chưa hết bàng hoàng và không hiểu vì sao dự án lại có thể ụp xuống đồng ruộng của họ nhanh đến như vậy. 3 câu hỏi lớn của những người buộc phải bỏ ruộng đồng phục vụ cho chủ đầu tư thực hiện dự án cứ theo thời gian kéo dài đằng đẳng.

"Có ai ngờ được, họ vừa hô hào chúng tôi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, cây cảnh thì đã ngay lập tức ào ào lấy đất với giá rẻ mạt. Tiền của nhân dân đổ vào việc cải tạo chuyển đổi ruộng đồng không biết bao nhiêu mà kể. Mất ruộng thì đã đành, dân chúng tôi chỉ mong sáng tỏ vấn đề vì sao lại là Ecopark? Quyết định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội định hướng đến năm 2020 mà không thấy nhắc gì đến Ecopark cả. Ai đã quy hoạch dự án này? Cơ sở nào để chuyển 500ha đất sản xuất của người dân thành đô thị? Bao năm trời chúng tôi đi hết các cơ quan, đi hết Hưng Yên, Hà Nội chỉ để xem quy hoạch sử dụng đất của dự án Ecopark nó như thế nào? Nhưng không có. Nói thật, giả sử nếu có quy hoạch thì nông dân mất đất còn đỡ bức xúc, nhưng không một cơ quan nào cung cấp cho dân, kể cả dân xin xem cũng không ai cho. Một dự án lấy 5 triệu m2 đất, lấy đi sinh kế của hàng vạn người dân chúng tôi mà chúng tôi không hề được biết, hỏi lãnh đạo xã thì lãnh đạo xã cũng không biết. Vì sao lại quyết định thực hiện dự án kiểu “đánh úp” dân như vậy?”, ông Lê Văn Dũng nói trước cổng Ban Tiếp công dân Trung ương.

Nông dân mất đất tiếp tục khiếu kiện - Ảnh: nongnghiep.vn

Cú “đánh úp” của chính quyền khiến những người nông dân vốn chỉ chăm chỉlàm ăn, khiến những gương sản xuất giỏi ở vùng quê này dần trở thành “thầy kiện”. Như Phạm Hoành Sơn, như Đàm Văn Đồng, Lê Văn Dũng, Trương Văn Kỉnh... Họ cho rằng quy chế dân chủ đã gần như biến mất ở đây sau khi dân mất đất. “Các cuộc họp tại cơ sở giờ chỉ còn lãnh đạo tham gia chủ yếu chứ dân không đi. Mấy vị cán bộ xã thời thu hồi đất về hưu, đi ăn cỗ dân không thèm ngồi cùng. Niềm tin của chúng tôi vào chính quyền cơ sở gần như không còn nữa”, ông Dũng tiếp.

Gia đình nông dân Phạm Hoành Sơn có 2 sào ruộng. Từ một anh nông dân chỉ có biết ruộng đồng vườn tược, bây giờ thời gian của anh Sơn là hồ sơ, là khiếu kiện, là bức xúc… Nghe thì tiêu cực, nhưng với những gì mà những nông dân như anh phải trải qua thì việc bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Ngày chính quyền hô hào chuyển đổi, vợ chồng Sơn hăng lắm. Gom góp, vay mượn 150 triệu đồng để biến đất ruộng thành vườn cây, ao cá. Lẽ dĩ nhiên, với bản tính cần cù lao động và đầu óc linh hoạt của nông dân ở nơi "trăm triệu một sào", số tiền ấy chỉ 1-2 vụ thôi đã có thể thu về. Xót xa thay, vườn cây vừa mới bén, ao cá mới xuống giống thì thông tin thu hồi đất như sét đánh ngang tai. Không một lần được họp bàn, không hề có quyết định thu hồi đất, tất tật mức giá bồi thường chỉ đủ trả gần một nửa tiền vay mượn. "Thế mà họ suốt ngày ra rả tuyên truyền dự án nhận được sự đồng thuận cao của người dân", anh Sơn nói lẫn trong từng tiếng nghiến răng ken két.

Ngay sau cú “đánh úp” vào những mô hình chuyển đổi, khi nỗi đau từ ruộng đồng chưa nguôi ngoai là những văn bản thần tốc quyết định biến người dân các xã ngay sát Thủ đô Hà Nội mất sạch đất đai.

Gọi là thần tốc cũng không ngoa, bởi theo những tài liệu người dân khiếu kiện thu thập được thể hiện, có 3 văn bản mang tính quyết định đến dự án được UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Chính phủ ban hành chỉ trong vòng có 3 ngày.

Ngày 28.6.2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình kính trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thu hồi và giao cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng 4.990.706m2 để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark).

Ngày 29.6.2004, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, cũng với nội dung về việc giao diện tích trên cho chủ đầu tư đồng thời chỉ đạo Hưng Yên “hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi”.

Ngày 30.6.2004, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi tổng diện tích 5.540.712m2 đất, giao toàn bộ cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi Thị xã Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Về diện tích gần 5 triệu m2 giao, quyết định của Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư sử dụng đúng quy hoạch, giao UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn và quyết định chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên căn cứ vào những văn bản trước đó thì UBND tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn sẵn chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng trước khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Vì sao lại có những văn bản, tờ trình, quyết định thần tốc như vậy? 14 năm rồi nông dân mất đất ở Văn Giang chưa nhận được câu trả lời. Chỉ biết, là ngay sau thời điểm “3 ngày 3 văn bản” là thời điểm Luật Đất đai 2003 chính thức có hiệu lực vào ngày 1.7.2004.

Từ lời xin lỗi đến lá đơn tố cáo Giáo sư Đặng Hùng Võ

Liên quan đến những tờ trình của Bộ Tài nguyên – Môi trường, vào năm 2012, Giáo sư Đặng Hùng Võ, người ký những tờ trình ấy khi còn làm Thứ trưởng bộ này đã có cuộc đối thoại với nông dân mất đất. Tại cuộc đối thoại đó, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đất đai từng lên tiếng nhận lỗi trước nông dân mất đất Văn Giang. Nhưng đã hơn 6 năm trôi qua, những vấn đề người dân bức xúc phản ánh chỉ dừng lại ở lời xin lỗi của Giáo sư Võ mà thôi.

Giáo sư Đặng Hùng Võ trong cuộc đối thoại với nông dân Văn Giang-Ảnh: nongnghiep.vn

Cũng đã 6 năm, người dân mất đất vẫn còn lưu giữ tài liệu về buổi đối thoại ngày hôm ấy.

Đó là ngày 11.8.2012, tại hội trường cũ của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Những luận điểm rõ ràng, rành mạch, trước các thông tư, nghị định, luật liên quan mà nhân dân cùng với luật sư hỗ trợ viện dẫn, Giáo sư Đặng Hùng Võ đã phải thừa nhận nhiều điểm chưa phù hợp, thiếu chính xác trong 2 tờ trình mà ông thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường ký trình Thủ tướng Chính phủ.

“Những cái gì thất thoát cho bà con thì tôi xin lỗi”, nông dân mất đất vẫn nhớ như in lời nói của vị giáo sư trước khi kết thúc buổi đối thoại. Họ cũng từng tin tưởng, sẽ có một sự vào cuộc nào đó làm rõ những điểm “chưa phù hợp, thiếu chính xác” của các “văn bản thần tốc”. Nhưng vô vọng. Có lẽ chính vì vậy, trong lá đơn mới nhất gửi đến Ban Tiếp công dân Trung ương, hàng trăm hộ dân mất đất chưa nhận tiền bồi thường đã ký tố cáo đích danh ông Nguyễn Đình Phách, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường vì cho rằng những người này đã ký những văn bản mấu chốt đẩy họ đến bước đường cùng.

Nhưng cũng giống như nhiều năm nay, lại phải chờ đợi. Không biết đến bao giờ.

Chủ Ecopark là ai?

Chủ đầu tư Ecopark là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) có vốn điều lệ 708 tỉđồng, do 9 cổ đông sáng lập nên. Chủ tịch Lương Xuân Hà, Tổng giám đốc Đào Ngọc Thanh và Phó Tổng giám đốc Đặng Thị Ngọc Bích.

Trong các đơn thư, tài liệu gửi cơ quan chức năng, nông dân mất đất ở Văn Giang chứng minh Vihajico được thành lập vào tháng 8.2003, chưa có kinh nghiệm xây dựng hạ tầng nhưng không hiểu vì sao lại được UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn xây dựng đường từ cầu Thanh Trì đi Thị xã Hưng Yên để đổi lấy gần 5 triệu m2 đất của người dân xây dựng Ecopark? Mặt khác, dự án được thực hiện theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng khi tuyến đường chưa hoàn thành thì chủ đầu tư đã được Hưng Yên giao đất để xây dựng đô thị.

Ông Lê Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan xác nhận mức đền bù đất đai cho người dân ban đầu chỉ 42 nghìn đồng/m2 sau đó tăng lên 76 nghìn đồng/m2: “Xã Xuân Quan mất 129ha. Bây giờ Ecopark xây hết rồi”.

Theo HOÀNG ANH – QUỐC NHẬT (Nông nghiệp)

Nông nghiệp