Chuyện chung cư (kỳ 3): Buồn vui cuộc sống tập thể ký túc xá

Văn hóa - Ngày đăng : 13:43, 06/07/2018

Nếu xã hội loài người là thế giới đa dạng, muôn vẻ thì cuộc sống chung cư có thể xem như xã hội thu nhỏ, cũng đủ mọi buồn vui. Nhiều khi nghĩ lại, thấy quãng thời gian ở chung cư cứ đầy ăm ắp trong ký ức.

Kỳ 1:http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-chung-cu-88724.html

Kỳ 2:http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-chung-cu-ky-2-cuoc-song-cua-nhung-vi-giao-su-kha-kinh-89632.html

Tôi lần đầu làm quen với kiểu sống chung cư là thuở sinh viên ở ký túc xá. Nó khác các chung cư dân sự ở chỗ ký túc xá không có hộ gia đình, chỉ tụ đám học trò với nhau, được ban quản lý chia thành từng phòng, mỗi phòng trên dưới chục mống. Ký túc xá Mễ Trì (Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) thời tôi học giống như đại gia đình của đám sinh viên nghèo tỉnh lẻ bởi dân Hà Nội không có suất ở ký túc xá, vả lại nếu có cho họ cũng chả thèm, hay ho gì kiểu sống chung đụng thiếu thốn.

Hình ảnh quen thuộc nhất là giường tầng, nhường các anh nhớn tuổi nằm dưới, đám choai choai nhơ nhỡ khỏe chân khỏe tay thì bị tống lên tầng trên. Tôi ở cùng phòng với tinh dững cán bộ, bộ đội đi học, có anh lương còn cao hơn cả thầy. Tuy bị lập nghiêm, ăn nói e dè, làm gì cũng phải trông trước ngó sau, không dám lộn xộn như ở những phòng khác nhưng có cái lợi là nhiều thời gian học bài. Các “bô lão” hầu hết đem theo xe đạp nên thỉnh thoảng mình cũng năn nỉ mượn được, khi đạp vào Ngã Tư Sở nhuộm cái áo, khi tới tận phố hàng Bông đổi bánh mì…, chỉ cần lau chùi sạch sẽ lúc trả lại. Bác cán bộ đi học nào cũng sắm đủ chậu thau nhôm, xô tôn, thậm chí có bác đem vào cả bàn là (ủi), một thứ đồ quý hiếm, chả bù cho mấy phòng bọn trẻ kia cả chục đứa chỉ mỗi cái xô, tới giờ tắm giặt chờ đợi tới lượt mình giống như một thứ cực hình.

Đám sinh viên bị cấm nấu nướng trong phòng nhưng vẫn luồn lách đủ cách. Ca sắt tráng men là thứ đồ đắc dụng thay cho nồi. Phải công nhận đồ sắt tráng men Trung Quốc thượng hạng, lỡ tay rơi xuống nền xi moong vẫn không hề hấn sứt mẻ, chẳng như sắt tráng men Hải Phòng dùng vài bữa đã rỉ sét. Bếp nấu, đứa nào chơi sang thì dùng dây may so Liên Xô, còn không thì lấy hai lưỡi dao cạo râu (lưỡi lam), chẻ chiếc đũa làm ba, kẹp lưỡi lam song song vào, nối hai sợi dây điện, mỗi lần đun nước lại lọ mọ cầm hai đầu dây cắm vào ổ điện (thời ấy thiếu thốn tới mức ngay cả cái phích cắm điện cũng không có mà mua). Nước sôi để pha chè, luộc rau, nấu mì sợi, nước nóng rửa mặt vào mùa đông giá rét… đều đun bằng cách này. Điện yếu, đèn chỉ sáng lờ mờ, gặp lúc đứa nào đun “tàu ngầm” thì cả dãy nhà bị tụt áp tối om, biết ngay có thủ phạm đang hành sự. Có lần thằng Đồng lớp ngữ về quê Đông Anh đem lên nửa ký mì sợi, tôi và nó kỳ cạch nấu ăn tối, vừa cắm “tàu ngầm” vào thì điện sụt, nghe ngay tiếng ông Bạn trưởng ban quản lý ký túc xá đang đi tuần tra ở cầu thang hét toáng lên “ai, ai đun điện”, hai thằng hoảng hồn vứt luôn cả ca tráng men lẫn mì sợi vào gậm giường, mất luôn bữa tối đang háo hức.

Ký túc xá Mễ Trì đã được xây lại khang trang hiện đại hơn nhiều so với trước - Ảnh: Báo ANTĐ

Nhân chuyện dây may so lại nhớ hồi thập niên 1970-1980 lưu học sinh ta chủ yếu sang học tập tại Liên Xô. Có phúc mới được đi Liên Xô. Dạo đó lưu truyền câu thành ngữ “Sướng như đi Liên Xô”, chẳng hạn hỏi nhau có sướng không, đáp rằng “sướng như đi Liên Xô”. Đi học đương nhiên là nhiệm vụ chính, nhưng cũng là suất cứu nước cứu nhà. Hầu hết anh chị em ta ngoài tấm bằng đỏ thì còn khuân về lỉnh kỉnh đủ thứ, phổ biến nhất là xe đạp Sputnik ghi đông khoằm, tủ lạnh Saratov, máy quay đĩa Melodia, đài Rigonda, bàn là 7 rúp, và không thể thiếu dây may so (còn gọi là dây điện trở, dây bếp điện). Thứ hàng này dễ bán, lời nhiều. Ngoài phố hầu như nhà ai cũng xài bếp điện, thân bếp là khuôn đất nung hình tròn, mắc dây may so vào các rãnh, khi cắm điện bếp cháy đỏ hồng tỏa nhiệt nóng (nóng nhiều hay ít tùy theo loại may so điện trở cao hay thấp, thường từ 800w tới 1.200w). Dây đốt nóng nên rất hay bị đứt, nhất là chỗ bắt con ốc, nhiều cái bếp dây may so nối chằng nối chịt, càng nối càng mau đứt. Nghe kể ở Liên Xô, người dân bản xứ nếu mua dây may so cũng chỉ mua một sợi hoặc vài ba sợi là cùng, còn đám “đầu đen” (chỉ lưu học sinh Việt) mỗi lần mua phải cả ký, đã vét hàng là vét sạch. Mua nhiều tới mức hàng hóa trở nên khan hiếm, nhân viên mậu dịch Liên Xô phát sợ. Họ đề cao cảnh giác đến mức vừa thấy mấy cô cậu Việt Nam bước vào cửa hàng, dù chưa biết khách định mua gì, đã vội xua tay “nhét, nhét” ầm lên rằng “hết dây may so rồi, hết dây may so rồi”. Thật đúng chuyện cười ra nước mắt của một thời.

Lại chuyện chung cư-ký túc xá sinh viên. Cả chục người chung một phòng, mấy chục người trong một tầng, với đông nhân lực như thế, việc giữ vệ sinh tưởng sẽ đơn giản nhưng té ra không phải. Mỗi anh chị một kiểu, bày biện, giăng mắc, phơi phóng, che màn gió-ri đô, góc học tập, nhìn vào phòng chung cư con con chưa đầy hai chục thước vuông cứ ngốt cả mắt. Anh Bùi Trọng Cường sang chơi với bạn gái học bên trường ngoại ngữ về tủm tỉm kể, để vào được tới giường cái Phương (bạn gái anh) cứ phải liên tục đi lom khom bởi trên đầu là đám coọc sê, xì líp treo lủng lẳng, có lần dây coọc sê mắc luôn vào cổ. Nghe kể, đứa nào cũng xuýt xoa, rồi sao, rồi sao nữa… Cùng lớp với tôi có thằng Thư người Hà Tĩnh, nó nhát như cáy, rất sợ ma. Đêm mắc tiểu, nó không dám xuống đất, cứ lén nửa đêm về sáng chờ mọi người ngủ say liền mò ra tè ngoài hành lang hoặc cầu thang. Bị khủng bố kéo dài, cả bọn để ý, sau phát hiện được cu cậu, nó hứa chừa, còn việc ban cán sự xử lý bị can thế nào thì tôi không rõ lắm.

Một trong những điều tệ nhất của đám sinh viên ở chung cư-ký túc xá là nạn đổ nước. Những đứa ở tầng trên thỉnh thoảng lại giở trò nghịch ngợm, thấy khách hoặc đám trai lạ vào tán bọn con gái lớp mình, liền múc sẵn ca nước đứng chờ, đợi anh chàng vừa dợm bước lên bậc thềm là trận mưa ụp xuống, xong chạy biến vào phòng. Cũng may chúng chỉ dùng nước sạch, chứ nếu nước bẩn, gặp khách khó tính, chưa biết chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Ở chung nhau trong khu tập thể, sự nhường nhịn, biết điều, ý thức văn hóa cá nhân cực kỳ quan trọng. Chỉ một ai đó ích kỷ, tùy tiện, bừa bãi, mất vệ sinh, bo bo lo cho nhà mình mặc kệ cộng đồng là sinh chuyện ngay, hoặc cả tập thể sống rất căng thẳng, nặng nề. Đám sinh viên tuy nghịch ngợm nhưng tếu táo, xuề xòa, dễ quên nên mọi chuyện dễ được bỏ qua. Bạn tôi ở Hà Nội kể gia đình bạn sống trong chung cư nhỏ yên tĩnh ở phố Quang Trung gần hồ Gươm. Điều không may là nhà hàng xóm rất ích kỷ, hằng ngày quét nhà, cứ lừa lúc mình không để ý liền hất rác sang hàng lang cửa nhà hàng xóm. Biết chỉ có họ thủ phạm nhưng nói mãi, góp ý mãi vẫn thế. Năm này qua năm khác, chịu không nổi, đành phải bán nhà chuyển đi chỗ khác, chỉ cốt thoát khỏi nạn bom rác.

Nguyễn Thông

Nguyễn Thông