Thủ tướng: ‘Tôi vẫn tự hỏi, chúng ta đã thực sự sẵn sàng cho 4.0 chưa?’

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:12, 06/07/2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ điều này tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 5.7.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương, Việt Nam dù đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là rất lớn, trong khi ngân sách quốc gia còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sức ép chung đối với các nước đang phát triển là tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế mà chưa có sự chú trọng đúng mực đối với các vấn đề về môi trường và xã hội. Hậu quả là tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị suy thoái, gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập và những thách thức khác trong xã hội, đòihỏi cần nhiều nguồn lực và thời gian để giải quyết.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằngtừ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế, rồi phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà là cả một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.

Tăng trưởng kinh tế như cách hiểu truyền thống là chỉ sự gia tăng thu nhập quốc dân trên đầu người. Tuy nhiên, thước đo về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã bị phê phán là có nhiều hạn chế. Chẳng hạn có những nước mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, nhưng chất lượng sống của người dân những nước này rất khác nhau.

Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao, nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả từ tăng trưởng. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng là mầm mống của sự bất mãn và căng thẳng xã hội; trẻ em không được học hành và suy dinh dưỡng, phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… tương phản hoàn toàn với chỉ báo tăng trưởng kinh tế.

Xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm bền vững kinh tế, bền vững xã hộivà bền vững môi trường.

Về kinh tế, sau 30 năm, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ năm 2010 Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và phấn đấu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập niên tới. Thu nhập của người dân đã tăng từ mức 94 USD năm 1990 lên gần 2.400 USD năm 2017, tương đương 7.000 USD tính theo ngang giá sức mua (PPP).

"Riêng chuyện GDP này tôi nghe nhiều chuyên gia nói rằng Việt Nam đã bỏ sót trong quá trình tính GDP rất cao, ít nhất là 30%", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi - thuộc nhóm cao nhất của thế giới.

“Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Thủ tướng nói.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua Việt Nam cũng đã xử lý nghiêm khắc các sự cố gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn các nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường lớn sang các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, thâm dụng công nghệ.

Đến nay, Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững. “Việt Nam tự tin sẽ đạt được và thậm chí hoàn thành trước nhiều mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên hợp Quốc trước năm 2030”.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng, mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản và ý tưởng sáng tạo; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp...

“Ngài Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới bày tỏ với chúng tôi về quan ngại rằng mới chỉ có một phần nhỏ của thế giới sẵn sàng cho sự chuyển đổi 4.0 do chưa có sự thay đổi nhiều về mặt nhận thức và tư duy. Tôi vẫn tự hỏi: Chúng ta đã thực sự chủ động sẵn sàng cho 4.0 chưa? Chúng ta chuẩn bị các kỹ năng cần thiết nào cho 4.0? Giải pháp nào?”, Thủ tướng hỏi.

Thủ tướng cũng chia sẻ rằng nhiều chuyên gia khuyến cáo về những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 như nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng bất bình đẳng, xâm phạm quyền riêng tư, nguy cơ chiến tranh mạng, thu hẹp quy mô nền kinh tế...

Theo Thủ tướng, giáo dục là chìa khóa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ mở cánh cửa tri thức, tạo ra các cơ hội làm chủ tương lai tươi sáng của đất nước. Chính phủ cam kết bảo đảm cơ hội học tập cho mọi người dân, cam kết không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình, chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững. Điểm mấu chốt của nhiệm vụ này là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Lam Thanh

Trí Lâm