Sẽ kiểm định phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:21, 27/06/2018
Trong một thông báo vừa phát đi, Tổng cục Hải quan yêu cầu đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với hàng hóa khai báo là hàng đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng và có tên hàng, mã số hàng hóa không thuộc Phụ lục Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có nghi vấn là phế liệu (ví dụ như: bao vì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, đồ nhựa, lưới đánh cá…) đã qua sử dụng khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để xác định hàng hóa nhập khẩu có phải là phế liệu hay không.
Tổng cục Hải quan cho rằng Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác đang có nguy cơ trở thành điểm tập kết rác thải công nghiệp, trong đó sắt thép, thiết bị điện tử qua sử dụng, thiết bị, linh kiện ô tô qua sử dụng đổ bộ. Đặc biệt, từ năm 2017, sau khi Trung Quốc - nước nhập phế liệu lớn nhất thế giới áp dụng lệnh cấm nhập phế liệu vào nước này, số phế liệu nhập khẩu diện chính ngạch, tiểu ngạch và cả nhập lậu vào Việt Nam gia tăng.
Những nguy cơ ngày càng rõ rệt khi gần đây rất nhiều nhà máy gang thép của Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn sắt thép phế liệu để bổ sung nguyên liệu, trong khi đó lượng phôi thép - nguyên liệu đầu vào để luyện gang, thép chỉ nhập về chiếm tỷ lệ % rất thấp.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5.2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng) trong đó nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD.
Ngoài việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô. Hiện mặt hàng này nằm phần lớn ở các cảng biển, trong đó đặc biệt là các cảng biển quốc tế.
Đáng chú ý, một báo cáo từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết tính đến giữa tháng 6.2018, tại các cảng biển TP.HCM còn lưu giữ 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan, trong đó 2.255 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày. Phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái với 2.181 container.
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Tuyết Nhung