Việt Nam còn 11 bệnh nhân COVID-19, thế giới đã mất 536.323 người do đại dịch

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:43, 06/07/2020

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 81 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam chữa khỏi gần 96% ca mắc COVID-19, hiện chỉ còn 11 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19. Theo trang Worldometers, tính đến 5 giờ 30 sáng 6.7, thế giới ghi nhận 11.537.399 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 536.323 ca tử vong.
Tính từ 6h ngày 16.4 đến 6h ngày 06.7: đã 81 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 06.7: Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Theo thông tin của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 340/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 95,8% tổng số ca bệnh.

Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

15 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định

Tính đến sáng ngày 5/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 11 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Về số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.291, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 120

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.754

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 417

Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục toàn diện và đủ tiêu chuẩn xuất viện an toàn, hồi hương bằng máy bay thương mại (ngày 12.7 trên chuyến bay của Vietnam Arlines sang Anh đón công dân về nước), không phải cách ly và sẽ được làm xét nghiệm lần cuối và xác nhận không còn SARS-CoV-2. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp với đại diện của cơ quan bảo hiểm uỷ quyền để làm các thủ tục xuất viện cho bệnh nhân.

Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 110 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18.3-chiều 22.5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22.5 đến nay.

Bệnh nhân nam phi công vui vẻ trò chuyện với các thành viên của Tiểu ban Điều trị, tổ công tác bệnh nhân nặng và các y bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân thời gian qua, đồng thời tập thử lực chân ngay trên giường bệnh

Trong quá trình điều trị, đã có những lúc, sức khoẻ của nam phi công gần như rơi vào tình trạng nguy kịch khi phổi đông đặc gần 90%, liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính với SARS-COV-2, bệnh nhân đã phải can thiệp ECMO, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu... Thậm chí Bộ Y tế còn phải nhập khẩu thuốc điều trị rối loạn đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân vì anh không tương thích với các thuốc rối loạn đông máu hiện có trong nước.

Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, ngoại, hồi sức... đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn quốc gia để bàn các giải pháp, biện pháp cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của nam phi công.

Thậm chí phương án ghép phổi cũng đã được đưa ra, đã có trên 50 người dân Việt Nam tình nguyện đăng ký hiến một phần lá phổi để cứu bệnh nhân nam phi công, tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sĩ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khoẻ nam phi công đã tiến triển ngoạn mục, phương án ghép phổi đã không phải thực hiện... Bệnh nhân đã đủ điều kiện sức khoẻ trên chuyến bay kéo dài 12 tiếng từ Hà Nội về Anh vào ngày 12.7 tới đây.

Ngày hồi hương của anh đang rất gần, chỉ còn 6 tuần nữa anh sẽ có một chuyến bay dài 12 tiếng để trở với quê hương...

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tính đến sáng 6.7

Theo trang Worldometers, tính đến 5 giờ 30 sáng 6.7, thế giới ghi nhận 11.537.399 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 536.323 ca tử vong.

Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Peru... tiếp tục là những nước có số người mắc COVID-19 nhiều nhất.

Israel ở "trong tình trạng khẩn cấp"

Ngày 5.7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này đang ở "trong tình trạng khẩn cấp" do sự tăng nhanh trở lại các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với việc ghi nhận thêm 755 ca nhiễm mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 29.787 người.

Phát biểu tại phiên họp nội các hàng tuần tại Jerusalem, nhà lãnh đạo Israel cho biết nước này đang chứng kiến sự gia tăng gấp đôi số ca mắc COVID-19 và sự gia tăng trở lại đang thách thức hệ thống y tế Israel.

Trước đó một ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Quốc hội Israel được giao nhiệm vụ phê duyệt các quy định liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, theo đó hạn chế việc tụ tập đông người trong quán bar, các sự kiện và giáo đường Do Thái giáo.

Quy định chỉ cho phép tụ tập tối đa 50 người và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6.7.

Thủ tướng Netanyahu cho hay động thái trên là việc làm cần thiết và dự kiến được thực hiện trong những ngày tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 và xử lý khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ Saudi Arabia thông báo bổ sung các dịch vụ cho người nước ngoài đang bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 nhằm đẩy mạnh nỗ lực của chính phủ để giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế.

Các dịch vụ bao gồm việc gia hạn giấy phép cư trú cho người nước ngoài sinh sống tại Saudi Arabia và nước ngoài trong 3 tháng, trong đó có những người hiện ở Saudi Arabia với thị thực thăm viếng.

Các loại thị thực đến và đi cũng sẽ được gia hạn thêm 3 tháng, mọi dịch vụ đều miễn phí.

Ngoài ra, Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 5.7 ghi nhận thêm 3.580 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên thành 209.509 người.

Trong khi đó, Saudi Arabia ghi nhận thêm 58 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.916 người.

Cảnh báo nguy cơ dịch tái bùng phát vào cuối năm ở Canada

Giới khoa học và hoạch định chính sách Canada hiện dự báo làn sóng lây nhiễm thứ 2 của đại dịch COVID-19 sẽ diễn ra vào cuối năm nay ở nước này.

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới công bố, khoảng 2/3 số người được hỏi đã ủng hộ Canada đóng cửa trở lại doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực không thiết yếu, nếu số ca mắc mới tăng.

Khảo sát trên được công ty nghiên cứu thăm dò dư luận Nanos Research thực hiện trong thời gian từ ngày 28.6-2.7 với 1.049 người Canada ở độ tuổi 18 trở lên.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn người tham gia ủng hộ quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, đáng chú ý, Thủ hiến Ontario Doug Ford từng nhiều lần bác bỏ ý tưởng này.

Ngoài ra, gần 90% người tham gia khảo sát của Nanos cho rằng làn sóng dịch thứ 2 có thể diễn ra trong 6 tháng tới.

Hiện số ca mắc COVID-19 mới tính theo ngày đang có xu hướng giảm tại Canada. Chẳng hạn số ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 30/6 là 286, thấp hơn nhiều so với con số 772 ca của ngày 30.5.

Bà Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada ngày 5/7 cho biết hiện nước này đã có 105.317 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, với 8.674 trường hợp tử vong.

Trong tuần qua, trung bình Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 39.000 người/ngày, trong đó chỉ 1% có kết quả xét nghiệm dương tính.

Nam Phi tăng cường triển khai quân y hỗ trợ dập dịch COVID- 19

Ngày 5.7, Bộ Quốc phòng Nam Phi triển khai hơn 50 cán bộ quân y đến tỉnh Eastern Cape nhằm tăng cường hỗ trợ cho đội ngũ y tế địa phương trong bối cảnh tỉnh này trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 3 tại Nam Phi, chiếm hơn 18% tổng số ca nhiễm trên toàn quốc.

Quyết định triển khai lực lượng quân y đến tỉnh Eastern Cape được đưa ra một ngày sau khi Nam Phi ghi nhận thêm 10.800 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi nước này thông báo ca đầu tiên hôm 5.3.

Hiện Nam Phi có 187.977 ca mắc COVID-19, trong đó 3.026 trường hợp tử vong.

Theo Bộ Quốc phòng Nam Phi, lực lượng quân y tăng cường đến tỉnh Eastern Cape bao gồm 35 y tá, 12 bác sỹ và 5 điều dưỡng. Đây là những cán bộ được tuyển chọn kỹ lưỡng, có chuyên môn và sức khỏe tốt.

Nam Phi bước sang ngày thứ 101 áp dụng một trong những lệnh phong tỏa được đánh giá là nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm giảm đà lây lan virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, quốc gia phát triển nhất châu Phi này đang chứng kiến số ca nhiễm mới liên tục tăng cao kể từ khi nới lỏng một số hạn chế nhằm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế.

Theo SK&ĐS-TTXVN