Đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài: 'Đói ăn vụng, túng làm liều'
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:23, 10/06/2020
Hàng loạt tàu bị xử phạt nặng, rút giấy phép hành nghề
Cuối tháng 5, UBND xã Bình Thới (H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã họp dân để công bố quyết định của UBND tỉnh Bến Tre xử phạt bà Phạm Thị Gái, chủ tàu đánh cá BT-94999TS số tiền 800 triệu đồng. Ở xã An Thủy (H.Ba Tri), chính quyền cũng công bố quyết định của UBND tỉnh Bến Tre xử phạt ông Lê Thanh Phong, chủ tàu đánh cá BT-92826TS số tiền 900 triệu đồng. Bà Gái và ông Phong bị UBND tỉnh xử phạt nặng vì đã để tàu đánh cá của mình vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.
Cụ thể, trong tháng 2, tàu của bà Gái phạm vào vùng biển Indonesia khai thác hải sản, bị các cơ quan hữu trách nước này phát hiện bắt giữ cả tàu lẫn thuyền trưởng và toàn bộ ngư dân. Còn tàu BT-92826TS của ông Phong có hành vi vi phạm vùng biển Thái Lan, chiếc tàu và toàn bộ thuyền viên trên tàu đã bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ cho đến nay. Ngoài việc bị UBND tỉnh phạt tiền nặng theo Nghị định 42/2019 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phong và bà Gái còn bị các cơ quan hữu trách xóa số đăng ký tàu cá, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.
Đây không phải lần đầu UBND tỉnh Bến Tre xử phạt nặng các chủ tàu đánh cá có phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài. Vào tháng 10.2019, ông Võ Văn Lai, chủ tàu đánh cá BT-93167TS ở xã An Thủy (H.Ba Tri) bị xử phạt số tiền 800 triệu đồng do để tàu xâm phạm vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép và bị nhà chức trách nước này bắt giữ tàu cùng toàn bộ 9 thuyền viên hôm 17.7.2019.
Cùng thời gian này, các cơ quan hữu trách của tỉnh Bến Tre phát hiện tàu đánh cá BT-97345TS với 13 thuyền viên của ông Thái Hữu Đức (xã An Thủy) bị hải quân Malaysia bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải nước này. Trong quá trình lai dắt tàu về cảng Malaysia, do tàu của ông Đức bị hư máy nên hải quân Malaysia đã thả chiếc tàu trôi dạt tự do trên biển. Sau đó nó được tàu đánh cá Việt Nam phát hiện, kéo về cảng cá Sông Đốc (Cà Mau).
Nguồn thủy sản tại vùng biển nhà ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân rất khó đánh bắt - Ảnh: Internet
Trước đó, vào trung tuần tháng 8.2019, các cơ quan hữu trách của tỉnh Bến Tre cũng xử phạt 3 thuyền trưởng tàu đánh cá ở 2 xã An Thủy và An Hòa Tây (H.Ba Tri) số tiền 120 triệu đồng vì năm 2018 đã có hành vi đưa tàu và ngư dân khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Malaysia và Indonesia.
Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre, do thời điểm các thuyền trưởng này vi phạm lãnh hải nước ngoài chưa có Nghị định 42/2019 nên chỉ xử phạt hành chính theo Nghị định 103 và 167 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại Bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre đang lập hồ sơ đề xuất UBND tỉnh xử phạt 1 tàu cá ở huyện Ba Tri vi phạm lãnh hải Malaysia vào tháng 12.2019, còn 2 tàu không xử lý được vì chủ tàu đã trốn khỏi địa phương.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre, từ khi Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp để ngành khai thác thủy sản Việt Nam được gỡ bỏ thẻ vàng theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (IUU), đến giữa tháng 5 toàn tỉnh có hơn 1.850 tàu đánh cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình, còn 168 tàu chưa lắp đặt, hơn 330 thiết bị trên tàu đã mất tín hiệu.
Trong khi đó Nghị định 42/2019 quy định, tàu đánh cá có chiều dài từ 15 - 24 mét không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chủ tàu sẽ bị phạt từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng, tàu trên 24 mét bị phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Hầu hết các tàu đánh cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đều đi đánh bắt dài ngày ngoài khơi không về địa phương, nên khó phát hiện việc vi phạm lãnh hải nước ngoài. Chỉ đến khi tàu và thuyền viên bị nhà chức trách nước ngoài bắt giữ thì địa phương mới biết và xử phạt chủ tàu.
Biển cả mênh mông, chừng nào bị bắt thì… ráng chịu
Theo một cán bộ ngành thủy sản Bến Tre, khi bị xử phạt nặng, rút phép hành nghề, hầu như chủ tàu cá nào cũng tỏ ra ăn năn hối hận và phần lớn đều đổ lỗi cho thuyền trưởng không tuân lệnh chủ tàu, tự ý đưa tàu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt. “Trên thực tế, cho dù tàu đánh cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng chủ tàu ở nhà đều nắm rõ vị trí của tàu đang hoạt động, thông qua các phương tiện liên lạc vô tuyến. Vì vậy chủ tàu không thể đổ hết trách nhiệm cho thuyền trưởng”, vị cán bộ nói.
Trong khi đó ông Võ Văn T., thuyền trưởng nhiều năm kinh nghiệm ở Tiền Giang, cho rằng dù tàu đánh cá có gắn thiết bị giám sát hành trình nhưng khi thuyền trưởng muốn đưa tàu xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản thì chỉ cần… tắt định vị là xong. Hỏi ông T. vì sao phải đưa tàu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản và biển cả mênh mông như vậy thì thuyền trưởng có biết ranh giới giữa lãnh hải Việt Nam và các nước hay không, ông T. cười cười: “Làm sao không biết được. Ngoài các phương tiện liên lạc với đất liền và giữa các tàu với nhau, tàu đánh cá nào cũng được trang bị hải đồ, ghi rõ tọa độ từng vùng biển của các nước, vùng biển chồng lấn, nên thuyền trưởng nói không biết chỉ là ngụy biện”.
Riêng chuyện khai thác hải sản, ông T. cho biết các vùng biển của Việt Nam nguồn hải sản ngày càng ít do lâu nay bị khai thác quá mức. Ngư dân thường nói là biển đói. Trong khi các vùng biển nước ngoài thì tôm, cá, mực còn nhiều, nên các thuyền trưởng mới liều mạng xâm phạm. Theo ông T., ngoài chiêu tắt định vị thì các thuyền trưởng còn có nhiều cách để đối phó với hải quân các nước. Chiêu thức họ hay sử dụng là cho tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, xác định luồng cá rồi đánh bắt nhanh, sau đó đưa tàu về vùng biển Việt Nam neo đậu, chờ thời cơ chạy sang buông mẻ lưới khác.
“Nhưng đừng tưởng biển cả mênh mông mà hải quân các nước không thể phát hiện. Họ có phương tiện hiện đại để theo dõi, tàu cá của mình vào lãnh hải của họ là họ biết ngay và tổ chức vây bắt rất hiệu quả. Cho nên các thuyền trưởng cố tình xâm phạm vùng biển nước ngoài giống như… đi đánh bạc. Thoát được thì tôm cá đầy tàu, vào bờ có tiền nuôi vợ con. Nhưng không thoát được thì tàu bị bắt, bị phá hủy, còn người thì lâm cảnh tù tội, gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có tiền chuộc người thân về”, ông T. nói.
Mỗi khi chồng bị bắt vì vi phạm vùng biển nước ngoài, vợ con ngư dân sống bằng nghề vá lưới phải chạy vạy vay tiền để chuộc chồng về - Ảnh: Thanh Anh
Theo ông T., muốn chuộc thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng về Việt Nam phải tốn rất nhiều tiền. Tùy theo vị trí mỗi người mà phải trả từ 1.000 - 3.000 USD họ mới được thả về. “Ở các cảng cá, khi ngư dân lên tàu đi biển thì vợ con ở nhà chỉ biết làm thuê các việc như vá lưới, phơi cá khô. Cho nên khi chồng bị bắt vì xâm phạm lãnh hải nước ngoài là họ mang nợ chồng chất để có tiền chuộc chồng về”, ông T. cho biết.
Theo ngành thủy sản các tỉnh duyên hải miền Tây Nam Bộ, những năm trước chuyện tàu đánh cá vi phạm vùng biển nước ngoài xảy ra như cơm bữa. Nhưng từ khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu rút thẻ vàng cảnh cáo, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định 42/2019 xử phạt nặng các tàu đánh cá vi phạm vùng biển nước ngoài, thì tình trạng này đã giảm. Tuy nhiên, do hám lợi mà nhiều thuyền trưởng vẫn bất chấp, cố tình cho tàu xâm phạm vùng biển các nước để bắt tôm cá.
Gần đây nhất, vào tháng 3, UBND tỉnh Cà Mau đã xử phạt chủ tàu Hứa Chí Tâm ở xã Tân Ân (H.Ngọc Hiển) số tiền hơn 1 tỉ đồng vì có hành vi gỡ bỏ thiết bị giám sát hành trình rồi cho tàu sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản. Hậu quả là tàu của ông Tâm bị hải quân Malaysia bắt giữ, nên ngoài số tiền bị xử phạt ông Tâm còn bị UBND tỉnh Cà Mau buộc phải chịu mọi chi phí để đưa các thuyền viên về Việt Nam.
Đến đầu tháng 4, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục xử phạt 4 tàu đánh cá thuộc tỉnh Kiên Giang số tiền 1,6 tỉ đồng vì các tàu này không chấp hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Nghị định 42/2019.
Thanh Anh