Bộ trưởng Bộ GTVT xin lỗi về tai nạn đường sắt
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:11, 29/05/2018
Tại cuộc họp, Bộ GTVT đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm vì để xảy ra các vụ TNGT những ngày qua.
“Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý ngành GTVT, tôi xin lỗi các nạn nhân và gia đình nạn nhân trong các vụ TNGT đường sắt đã xảy ra. Tôi xin nhận trách nhiệm về sự việc. Tôi xin nhận mọi hình thức kỷ luật từ Đảng và Nhà nước”, ông Thể nói.
Liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận trong thời gian qua ngành Đường sắt đã rất nỗ lực cố gắng. TNGT nói chung, đường sắt nói riêng đã được kiềm chế, có chiều hướng giảm dần.
Tuy nhiên công tác này phải tập trung cao độ, nếu chỉ lơ là một chút là xảy ra ngay lập tức những hậu quả khó lường. Trong 5 ngày vừa qua xảy ra 5 vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, hoạt động chạy tàu đường sắt mất an toàn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với Đường sắt nói riêng và Ngành GTVT nói chung”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ rõ, 5 vụ TNGT của đường sắt do lỗi hoàn toàn chủ quan của con người, dù là của nhân viên đường sắt hay của lái xe ô tô thì đều là do ý thức không tuân thủ quy định trong lao động, các quy định của Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu Lãnh đạo Ngành Đường sắt nghiêm túc kiểm điểm nội bộ.
“Các đồng chí phải nghiêm túc rà soát, kiểm tra cho rõ nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua từ trong các quy định nội bộ, ngoài việc phối hợp với các cơ điều tra. Ví dụ đối với vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Thanh Hóa thì nguyên nhân vì sao? Tín hiệu báo động có đúng thời gian quy định hay không? Cán bộ làm nhiệm vụ có ngủ gật không, do thiếu năng lực hay do sức khỏe hoặc lơ là trách nhiệm hay không? Phải phân tích thật kỹ, phải rà soát lại nhiệm vụ từ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đến cán bộ bẻ ghi, gác chắn…”, Bộ trưởng yêu cầu rõ ràng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông rà soát, thành lập Tổ gồm Thanh tra Bộ, các đơn vị liên quan, xem lại các quy định. Chưa hợp lý ở khâu nào, cấp nào, việc nào giải quyết được ngay phải giải quyết, việc nào cần đề xuất với Bộ để kiến nghị Chính phủ sửa đổi phải xem xét rõ, trình bày rõ ràng, có các cơ sở khoa học; Bộ trưởng giao các đồng chí tại các cơ quan tham mưu của Bộ có nhiệm vụ liên quan đến Ngành Đường sắt phải xem lại trách nhiệm của mình, phải giám sát, làm rõ.
Về phía Cục Đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu với vai trò là Cục quản lý nhà nước chuyên ngành thì Cục phải rà soát lại xem yếu kém ở khâu nào, ở cán bộ nào? Công tác thanh tra đường sắt đã đảm bảo yêu cầu hay chưa?
“Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là ngoài quản lý về chuyên môn chuyên ngành phải đề ra các giải pháp đảm bảo TTATGT thuộc lĩnh vực; phải làm việc với từng địa phương để cam kết đảm bảo xóa bỏ dần các đường ngang tự phát cắt qua đường sắt, đảm bảo an toàn các điểm giao cắt đúng quy định, phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật như kết nối hệ thống camera, cùng doanh nghiệp xây dựng các trung tâm thông tin cảnh báo hiệu quả…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt tổ chức Hội nghị với các địa phương có đường sắt để thống nhất xem trách nhiệm của Bộ thế nào? Của địa phương ở đâu? Từ nay đến cuối năm phải hoàn thành việc xây gờ giảm tốc theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương HòaBình.
“Việc này có thể làm trong tầm tay, hạn chế tốt, không nhiều tiền đầu tư mà tôi tin có hiệu quả ngay lập tức”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt tạm đình chỉ cán bộ để xảy ra các vụ tai nạn trong thời gian vừa qua để vừa phục vụ công tác điều tra của các cơ quan chức năng vừa thực hiện nghiêm các quy định của Ngành, của pháp luật.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, mọi nhiệm vụ và giải pháp có hiệu quả hay không đều do ý thức của mỗi cán bộ. Bộ trưởng khẳng định, muốn nâng cao năng lực, dịch vụ vận tải của Ngành đường sắt thì không ai khác mà chính cán bộ, công nhân ngành Đường sắt vẫn nâng cao tinh thần trách nhiệm.
“Nếu cứ để tình hình này kéo dài thì uy tín ngành Đường sắt đi về đâu, uy tín của Ngành Giao thông ra sao?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi.
“Do đó, hoạt động của Ngành phải đi vào khuôn khổ. Từng cán bộ, chuyên viên phải nâng cao trách nhiệm bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng ta là quản lý nhà nước phải bảo vệ nhà nước và nhân dân. Việc gì không hợp lý phải điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Phải bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước bằng chính trách nhiệm của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo cương quyết.
Trước đó, trong 5 ngày từ 24 - 28.5.2018 đã liên tục xảy ra 5 vụ tai nạn đường sắt làm chết 2 lái tàu, 9 người bị thương, thiệt hại về tài sản và tắc nghẽn giao thông khu vực bị nạn.
Nam Phong