TP.HCM sắp có thêm nhiều tuyến du lịch đường thủy mới
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:14, 03/06/2020
Cụ thể, chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng - quận 9 sẽ tập trung nâng cấp các bến tàu hiện hữu dọc trên tuyến, đầu tư mới các bến tàu tại quận 9 để xây dựng điểm đến hoàn chỉnh, đầu tư mới các phương tiện thủy trên tuyến này.
Chương trình này còn tập trung đầu tư hệ thống xe điện phục vụ du khách từ các bến tàu đến các điểm như nhà vườn, Bảo tàng Áo dài, Nhà thờ tổ nghề Nghệ thuật… và tập trung xây dựng các hoạt động trải nghiệm tại các nhà vườn trên Cù lao Long Phước như: Tát mương bắt cá, Một ngày làm nông dân, Cooking Class…
Trong khi đó, chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng - Bình Quới sẽ tập trung vào việc đầu tư mới các phương tiện thủy như du thuyền với sức chứa 400 - 600 chỗ, ca nô phục vụ riêng cho việc trung chuyển khách đến du thuyền từ các bến tàu vệ tinh, nâng cấp cầu cảng, bến tàu, quy hoạch các bến bãi đổ xe phục vụ du khách. Đặc biệt, nhiều chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc và các hoạt động vui chơi giải trí trên thuyền cũng được đầu tư, với các chương trình biểu diễn ánh sáng, đèn lazer từ các tòa nhà cao tầng hiệu ứng xuống mặt nước, biểu diễn nhạc nước trên sông Sài Gòn…
Còn chương trình du lịch trên tuyến Bạch Đằng - quận 7 sẽ khai thác hết công năng của các bến tàu trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng; xây dựng bến Bạch Đằng thành bến trung tâm và công viên cảng Bạch Đằng. Đặc biệt, tuyến này sẽ hoàn chỉnh và nâng cấp bến Crescent Mall thành một điểm đến để kết nối thuận tiện với các điểm tham quan trong khu vực quận 7.
Các phương tiện phục vụ tuyến du lịch này như xe điện, phương tiện thủy… cũng được đầu tư. Song song đó, thành phố còn triển khai các dự án cải tạo vệ sinh cảnh quan, môi trường nước trên các tuyến kênh, chỉnh trang cảnh quan dọc theo các dòng kênh trên tuyến. Tuyến du lịch này sẽ hấp dẫn du khách bởi các chương trình nghệ thuật và các hoạt động như chợ phiên, phố ẩm thực, phố mua sắm… tại các điểm đến.
Đáng chú ý, tuyến Bạch Đằng - quận 9 và Bạch Đằng - quận 7 sẽ được xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thông minh thuyết minh tự động trên tuyến.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết cơ quan này sẽ chủ trì lập đề án “xây dựng các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2020-2030” nhằm đánh giá thực trạng các tuyến du lịch đường thủy, các sản phẩm hiện đang khai thác. Qua đó, thành phố sẽ có định hướng phát triển tuyến du lịch đường thủy gắn với các sản phẩm du lịch đến năm 2030, góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm của du dịch TP. Ngoài ra, đề án sẽ giúp khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng về tài nguyên du lịch đường thủy, bảo tồn và gìn giữ cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc ven sông trên địa bàn TP.HCM.
Cũng liên quan đến phát triển du lịch TP.HCM, Sở Du lịch cho biết đang tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Du lịch TP.HCM giảm sút nghiêm trọng
Số liệu Sở Du lịch TP.HCM cho thấy trong tháng 1 và tháng 2.2020, trung bình lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành giảm từ 50-60% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3.2020, lượng khách và doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95% đến 100% so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm cho đến tháng 4 năm 2020, 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngưng hoạt động, một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.
Trong tháng 4, do thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong 3 tuần đầu nên về cơ bản ngành du lịch TP.HCM gần như “đóng băng”, doanh thu du lịch tháng này ước đạt 515 tỉ đồng, giảm 95,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Sang tháng 5, các doanh nghiệp du lịch nội địa đã khởi động trở lại với lượng khách chủ yếu là đi theo dạng cá nhân, nhóm nhỏ gia đình. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 đến 5 sao trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40% đến 45%.
Phan Diệu