Thụy Điển phát tờ rơi cảnh báo chiến tranh
Quốc tế - Ngày đăng : 17:33, 22/05/2018
Theo báo Guardian ngày 21.5, tờ rơi Om krisen eller kriget kommer (Nếu xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh) giải thích cách người dân có thể trữ những nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống, máy sưởi, ý nghĩa của các tín hiệu cảnh báo, nơi có hầm tránh bom, và cách người dân đóng góp cho cuộc “phòng thủ tổng lực”.
Toàn thể công dân từ 16 đến 70 tuổi có thể được động viên bảo vệ tổ quốc
Tờ rơi 20 trang có tranh minh họa, còi báo động, máy bay chiến đấu và các gia đình rời bỏ nhà cửa, nhằm chuẩn bị cho người dân sẵn sàng đối mặt với những nguy hiểm, ví dụ bị tấn công mạng, khủng bố tấn công, sự thay đổi thời tiết, và gồm một trang hướng dẫn xác minh “tin đồn nhảm”.
Tờ rơi viết: “Dù Thụy Điển an ninh hơn nhiều nước khác, vẫn có những mối đe dọa đến nền độc lập và an ninh của nước ta. Nếu mọi ngườichuẩn bị kỹ lưỡng, mọi người đang góp phần cải thiện khả năng giúp tổ quốc đối phó một tình trạng căng thẳng lớn”.
Tờ rơi còn tư vấn cho người dân suy nghĩ cách đối phó, nếu như xảy ra các tình huống như không có máy sưởi, khó mua lương thực dự trữ, không có nước trong nhà vệ sinh, không có máy đếm tiền, không có điện thoại di động, đường truyền internet bị cắt.
Tờ rơi khuyên nên xác minh tất cả các thông tin, cảnh báo rằng “có những quốc gia và tổ chức đang toan tính tác động đến các giá trị của chúng ta, cách chúng ta hành động và kéo giảm sự kiên nhẫn của chúg ta, phá hoại ý chí tự vệ của chúng ta”.
Trong trang “bí kíp chuẩn bị ở nhà” chỉ người dân trữ nước uống đóng chai, quần áo ấm, túi ngủ, các món có thể ăn liền không cần nhiều nước”.
Trong tình huống xảy ra chiến tranh, tờ rơi nêu “tất cả các công dân có nghĩa vụ đóng góp, và tất cả các công dân đều cần cho công cuộc phòng thủ tổng lực của tổ quốc”, và bất kỳ ai từ 16 đến 70 tuổi đều có thể được triệu tập để “hỗ trợ trong tình huống đe dọa chiến tranh hoặc chiến tranh”.
Thụy Điển chưa hề có chiến tranh với bất kỳ nước nào trong hơn 200 năm. Tờ rơi cảnh báo nếu đất nước bị tấn công xâm lược, “chúng ta sẽ không đầu hàng. Tất cả các thông tin kêu gọi ngưng kháng chiến đều là tin giả”.
Hồi năm 1943, những tờ rơi tương tự đã được phát ở Thụy Điển trung lập, vào lúc Thế chiến 2 lên đỉnh điểm. Thông tin cảnh báo luôn được cập nhật cho người dân mãi đến năm 1961, sau đó chỉ chuyển đến các quan chức chính phủ và chính quyền địa phương đến năm 1991 thì ngưng.
Ông Dan Eliasson của Cơ quan dân sự đối phó tình trạng khẩn cấp Thụy Điển, cơ quan thực hiện dự án phát tờ rơi, nói: “Xã hội dễ bị tổn hại, nên từng cá nhân cần chuẩn bị đối phó”.
Nga từng cảnh báo Thụy Điển "nhận hậu quả" nếu gia nhập NATO
Tờ rơi được phát lúc Thụy Điển đang có tranh luận về an ninh quốc gia - cùng khả năng nước này gia nhập NATO - từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, và gần đây máy bay, tàu ngầm Nga thuờng xâm nhập không - hải phận Thụy Điển.
Thụy Điển đã bắt đầu tăng chi quân sự, tái áp dụng luật nghĩa vụ quân sự, còn cùng Đan Mạch lên kế hoạch chống Nga xuyên tạc và tấn công mạng.
Theo Newsweek, hồi tháng 9 2017, do Thụy Điển ngán Nga đe dọa quân sự, nước này đã cùng Mỹ tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong gần 25 năm, với 19.000 quân Thụy Điển cùng các nhóm quân Mỹ, Pháp, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch Litva, Estonia tham gia cuộc diễn tập quân sự Rạng đông 2017.
Rạng đông 2017 diễn ra trên toàn Thụy Điển, gồm đảo hoang Gotland đã phi quân sự sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng gần đây, Thụy Điển tái vũ trang cho khu vực này.
Cuộc diễn tập này là cách Thụy Điển kiểm tra khả năng phòng thủ trước điều họ mô tả là “một đối phương lớn, hiện đại hơn hẳn”’.
Quân đội Thụy Điển cho biết: “Đánh chặn là cốt lõi của một cuộc phòng thủ mạnh, chống lại tất cả các mối đe dọa và vượt qua mọi thách thức. Cuộc tập trận nhằm ngăn chặn bọn tấn công tiềm năng, buộc họ phải suy xét cẩn thận về những nguy hiểm khi tấn công đất nước chúng ta”.
Theo Newsweek, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh cáo Thụy Điển: Nga sẽ có các cách phản ứng nếu Thụy Điển gia nhập NATO.
Năm 2015, Đại sứ Nga Viktor Tatarinstev tại Thụy Điển cũng có lời dọa nước này “sẽ bị nhiều hậu quả” nếu Thụy Điển gia nhập NATO.
Khi trả lời phỏng vấn của báo Dagens Nyheter (Thụy Điển), Đại sứ Tatarinstev nói “Thụy Điển không là mục tiêu của quân đội chúng tôi”, dù giới truyền thông nước này “tiến hành chiến dịch tuyên truyền hung hăng”, theo lời ông nói.
Dân Thụy Điển hiện ủng hộ ý tưởng gia nhập NATO nên ông Tatarinstev cảnh cáo: “Nếu điều đó xảy ra thì sẽ có những biện pháp phản ứng. Tổng thống Putin đã nói sẽ có hậu quả, Nga sẽ có phản ứng quân sự và tái định hướng tên lửa và quân đội. Nước nào gia nhập NATO cần ý thức những nguy hiểm mà tự họ chuốc lấy”.
Bích Ngọc (theo Guardian)