Nữ nhiếp ảnh châu Á chụp ảnh cho Playboy: ‘Hãy xem khỏa thân như một vẻ đẹp nghệ thuật’

Văn hóa - Ngày đăng : 21:20, 21/05/2018

Đầu năm 2018, Ruby Law trở thành nữ nhiếp ảnh gia người Hồng Kông đầu tiên cộng tác cùng Playboy.

Ruby Law đã làm nhiều đồng hương tại quê nhà đều kinh ngạc, e ngại khi cô kể về việc chụp mốt cho tờ tạp chí người lớn nổi tiếng thế giới. Câu chuyện của Law đang góp phần minh chứng một nghịch lý trong văn hóa phương Đông.

Nữ nhiếp ảnh gia Ruby Law qua một bức ảnh tự chụp

Ruby Law, năm nay 27 tuổi, trả lời bài phỏng vấn mới đây trên tờ South China Morning Post, “Văn phòng người mẫu ở Hương Cảng lẫn những nước châu Á lân cận đều có chính sách yêu cầu không chụp ảnh nude với dàn người mẫu họ đại diện. Tôi thấy thất vọng vì điều đó.”


Series ảnh Law vừa hoàn tất cho Playboy. Cô lấy bối cảnh bãi biển nhiệt đới tại đảo Bali, Indonesiasẽ. tác phẩm này sẽ xuất hiện trong ấn bản số tháng 6.2018.

Bất kể độ nổi tiếng, thành công vang dội của tờ tạp chí 18+, Law nói người dân Hồng Kông thực tế không hề ủng hộ Playboy.

Law chia sẻ quan điểm riêng: “Người châu Á, nói chung, không sẵn lòng tiếp nhận loại hình sách báo như Playboy. Chuyện tuy nhiên không nằm ở độ ‘hở’ của người mẫu, mà phụ thuộc vào nhận thức văn hóa… Chuyện tùy thuộc vào cách bạn nhìn vấn đề”.

“Tôi nghĩ mọi người nên thử tìm hiểu nội dung tạp chí, trước khi bàn luận về nó.” Law phân tích, “Nếu bạn quan sát những cô gái khoe dáng trên trang tạp chí Playboy, thật ra bạn không hề thấy gượng gạo, khó chịu vì hình ảnh 18+. Ngược lại, những shot ảnh dễ khiến độc giả phải trầm trồ, ‘cô ấy thật dễ thương’ hay ‘cô ấy có thân hình đẹp’.

Ngược lại, Law cho biết, cô không cảm thấy dấu ấn tích cực tương tự khi xem qua những tạp chí người lớn địa phương, vốn thường phác họa chân dung người mẫu nữ trẻ trung nhưng quá ‘ngọt ngào’, đến mức gần như mềm yếu, bị động.


Sách báo 18+ với hình ảnh, nội dung nóng bỏng nhưng thiếu chiều sâu nghệ thuật, được bày bán công khai nơi cửa hàng tiện lợi, sạp báo ở nhiều đô thị châu Á.

“Những tấm ảnh như thế mới khiến tôi thấy không thoải mái. Và bạn có thể bắt gặp chúng khắp nơi quanh thành phố, trên nhiều không gian quảng cáo công cộng. Nền văn hóa tại đây rất khác, cảm quan thẩm mỹ cũng khác.”

Playboy không đơn thuần bao gồm hình ảnh phụ nữ khỏa thân hoặc e ấp trong trang phục quyến rũ. Tờ tạp chí kinh điển của Mỹ từ lâu còn được biết đến với chuyên mục truyện ngắn, là diễn đàn văn chương thu hút không ít văn sĩ tên tuổi: Arthur C.Clarke, Hunter S.Thompson, Haruki Murakami, Margaret Atwood,..

Tờ tạp chí từng thực hiện vô số bài phỏng vấn gương mặt nghệ sĩ xuất sắc, với bài viết mở đầu xoay quanh ‘biểu tượng’ nhạc jazz Miles Davis, vào năm 1962. Năm 1970, Playboy trở thành tờ tạp chí đàn ông đầu tiên được xuất bản dưới dạng chữ nổi dành cho người mù.

Thể hiện nỗ lực tôn vinh giá trị văn hóa nghệ thuật đa dạng, Playboy, tuy nhiên, bị cấm lưu hành ở hàng loạt quốc gia châu Á, từ Trung Quốc Đại Lục, Myanmar, Malaysia, đến Thái Lan, Singapore và Brunei.

Cả khi đã có giấy phép phát hành tại xứ Cảng Thơm, tìm ra một bản in của Playboy ở trung tâm thành phố cũng chẳng dễ dàng.

Định nghĩa có phần áp đặt bấy lâu về một tờ tạp chí ‘khỏa thân’ có lẽ là rào cản lớn nhất khiến độc giả châu Á từ chối đón nhận Playboy. Thực tế này, dẫu vậy, không chỉ phản ánh trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Vẫn tiềm ẩn chủ nghĩa bảo thủ, văn hóa phương Đông hãy còn e dè trước vấn đề ‘khỏa thân vì nghệ thuật.’ Bên cạnh đó, cố gắng dung hòa khác biệt trong ý niệm xây dựng nghệ thuật, văn hóa, sẽ đòi hỏi thêm thời gian.

Law bày tỏ, “Tôi mong muốn mọi người có thể tiếp nhận khỏa thân như một vẻ đẹp nghệ thuật”.

Như Ý (theo SCMP)

Như Ý