Quốc hội thảo luận: Việc thu hồi đất ở các địa phương mỗi nơi mỗi khác

Sự kiện - Ngày đăng : 14:17, 22/05/2018

“Các bộ, ngành và bản thân tôi là một thành viên Chính phủ cũng sẽ rút kinh nghiệm. Trong nhiệm vụ của mình sẽ chuẩn bị các dự án luật tốt hơn để trình Quốc hội”, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị các dự án luật

Sáng 22.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đề ra, cần quan tâm nhất là 3 đột phá chiến lược. Đầu tiên là phải xây dựng hoàn thiện thể chế.

“Thể chế thì Quốc hội, Chính phủ làm rất nhiều, nhưng gần đây có đánh giá, việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật của một số bộ, ngành làm chưa được chu đáo lắm, do đó chương trình xây dựng pháp luật phải điều chỉnh nhiều”, ông Khái nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chia sẻ: “Các bộ, ngành và bản thân tôi là một thành viên Chính phủ cũng sẽ rút kinh nghiệm. Trong nhiệm vụ của mình sẽ chuẩn bị tốt hơn để trình Quốc hội, các ĐBQH các dự án luật vừa bảo đảm chất lượng, vừa kịp thời để các vị ĐBQH tiếp cận thông tin sớm hơn, có ý kiến đóng góp để khi luật ban hành có chất lượng hơn”.

Đề cập đến việc phòng chống tham nhũng, ông Khái cho rằng điều cần quan tâm nhất là thu hồi tài sản tham nhũng. Muốn thu hồi được thì phải phát hiện kịp thời, nghĩa là phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, còn để tẩu tán hoặc khi pháp lý ở mức mà chúng ta không xử lý được thì không thu hồi được.

“Thường thường những người phạm tội mà có tài sản thì sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái. Cho nên, với những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, con người, cán bộ”, ông Khái nêu.

Theo đó, TTCP và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe thì hi vọng yêu cầu của ĐBQH thì sẽ đáp ứng được.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo

Theo ông Khái, trong Luật Tố cáo có nội dung rất lớn phải thảo luận thống nhất là hình thức tố cáo thông qua điện tử, fax, điện thoại.

“Nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng gần dây, tôi biết cũng chốt lại phương án như luật cũ. Vì trong điều kiện hiện nay, những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân phải tiếp nhận theo quy trình và xử lý”, ông Khái cho hay.

Theo đó, trong điều kiện hiện nay, những đơn phải xác minh được người tố cáo, khiếu nại thì chúng ta mới làm được. Việc xác minh được người tố cáo, khiếu nại thì tỷ lệ xác minh cũng ở mức độ khác nhau, chưa đạt như mong muốn.

“Chúng ta đặt tỷ lệ giải quyết phải đạt 85% nhưng hiện chưa được. Năm 2017 cũng mới 84% thôi. Do đó mở rộng nữa, về nguyên tắc thì rốt nhưng với điều kiện hiện nay, biên chế không được tăng thêm… thì tôi e rằng khó khả thi”, ông Khái cho hay.

Do đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các vị ĐBQH thảo luận kỹ để bảo đảm quy định phải thực thi, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của nhân dân trong việc khiếu nại, tố cáo, nghiên cứu sâu để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai theo luật Đất đai 2013.

Người đứng đầu TTCP cũng thừa nhận, trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đền bù, tài đính cư khi thực hiện có nhiều vướng mắc.

“Diện nào được thu hồi? Như đất an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội quốc gia, phục vụ mục đích công cộng, nhưng đối với đất thu hồi để lập dự án kinh doanh thì thế nào để bảo hài lòa lợi ích hài hòa giữa địa phương, doanh nghiệp, người dân. Tôi thấy rằng, trong thực thi chính sách này, nhiều địa phương thực hiện cũng không đồng nhất”, ông Khái nêu.

Dẫn chứng, ông Khái cho rằng ở vùng sâu vùng xa, kêu gọi, đấu thầu chọn nhà đầu tư rất khó, nhưng ở vùng phát triển, chưa kêu gọi thì nhà đầu đã đăng ký rất đông. Do đó, trình tự, thủ tục hướng dẫn phải đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

“Nếu làm tốt việc này thì tình hình khiếu nại liên quan đến đất đại, mà hiện nay 70% khiếu nại liên quan đến đất đai sẽ giảm xuống, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Giải quyết khiếu nại hiệu quả nhất, theo thẩm quyền hiện nay, theo trách nhiệm hiện nay là phải từ cơ sở”, ông Khái nhấn mạnh.

Còn các cơ quan trung ương, đặc biệt là TTCP, các cơ quan trung ương tiếp công dân cần nắm tình hình quản lý nhà nước, kết luận rõ ràng, đề nghị các địa phương thực hiện. Nếu tăng cường ở cơ sở, giải quyết ở cơ sở thì sẽ ổn, nếu kéo lên trung ương thì rất phức tạp.

Theo ông Khái, cần hướng tới việc phân loại, loại nào mấy chục năm mà trung ương đã có ý kiến thì trung ương tham gia. Còn nhóm mới phát sinh mà trung ương chưa có ý kiến thì tăng cường trách nhiệm ở địa phương. Từ đó thống kê, lên kế hoạch để bảo đảm giải quyết dứt điểm.

“Giải quyết khiếu nại rất phức tạp. Hiện nay có khiếu nại lần 1, lần 2, lần 2 mà không chịu nữa thì lên trung ương nhưng lên trung ương thì cũng phải mời địa phương giải quyết. Đề nghị lãnh đạo tỉnh sát sao để làm sao nắm tình hình, tổ chức đối thoại, giải quyết đúng pháp luật”, ông Khái cho hay.

Ông Khái cũng chia sẻ, hiện TTCP đang xây dựng cơ sở giữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Với những vụ lợi dụng để kích động, không có phối hợp để giải quyết thì cũng phải có thái độ cứng rắn.

“Chúng ta làm hết trách nhiệm của mình để giải quyết khiếu nại, phản ánh của người dân, nhưng những vụ việc lợi dụng chống phá, yêu sách không đúng pháp luật thì cũng phải có thái độ chấm dứt”, ông Khái nêu.

Nam Phong

Nam Phong