ĐBQH Lê Thanh Vân gửi văn bản đề nghị Quốc hội giám sát vụ Hồ Duy Hải
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:45, 13/05/2020
Trong văn bản gửi đi, ông Vân dẫn Điều 404 BLTTHS, quy định khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Một là, Quốc hội ngay kỳ họp sắp tới này, tổ chức riêng một phiên chất vấn công khai, trực tiếp đối với Chánh án TAND Tối cao. Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đoàn giám sát riêng, hoặc trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp đã tiến hành, nay giám sát bổ sung.
Từ kết quả giám sát ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định có yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại bản án hay không.
Trước đó, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, phiên giám đốc thẩm do Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao tiến hành đã khép lại, với phán quyết: bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tính mạng của tử tù Hồ Duy Hải là vô cùng mong manh.
Theo ông Vân, nỗi oan khuất của 2 cô gái chết trẻ phải được làm rõ để thân nhân của họ tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật.
"Kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng, nhưng phải đúng người, đúng tội; không thể kết án oan sai. Đó là mong muốn chung của tất cả mọi người có lương tri", ĐBQH Lê Thanh Vân nói.
Ông Vân cũng nêu quan điểm, khi xét án phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để tránh hàm oan cho đương sự.
Đáng chú ý, ĐBQH Lê Thanh Vân nhìn nhận phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chưa thực sự thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.
"Việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy", ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ.
Trả lời báo chí trước đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng, vụ án rất quan trọng vì liên quan đến sinh mạng con người, cần phải điều tra, xét xử nghiêm minh, phải đúng người, đúng tội.
Theo đại biểu Nghĩa, những vụ oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và một số án oan sai khác có đặc trưng là chủ yếu dựa vào lời nhận tội của bị can và những chứng cứ gián tiếp. Những kinh nghiệm đó cho thấy việc dựa chủ yếu vào bản cung của các bị can, vào chứng cứ gián tiếp thì có nguy cơ oan sai.
Cũng theo đại biểu Nghĩa, quyền kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao căn cứ trên hai nhiệm vụ được Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện KSND giao là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Việc kháng nghị thể hiện quyền con người, quyền công dân, căn cứ Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự, Hiến pháp. Để đạt được nền tư pháp cẩn trọng chặt chẽ, hạn chế oan sai thì TAND tối cao nên tiến hành điều tra lại.
Lam Thanh