TP.HCM muốn giảm 10% giá điện, dừng tính theo bậc thang
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:32, 08/05/2020
Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người đứng đầu UBND TP.HCM đề xuất tiếp tục giảm 10% giá điện trên hóa đơn cho người dân và doanh nghiệp sau tháng 6.2020.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Chính phủ tạm thời dừng cách tính giá điện bậc thang cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch. Ông Phong cho rằng cả nước đang bước vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm, nhu cầu sử dụng điện cao. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa trải qua 3 tháng ảnh hưởng nặng nề dịch COVID-19, bây giờ là giai đoạn phục hồi sản xuất.
Do vậy, việc tiếp tục giảm 10% giá điện sau tháng 6.2020 và tạm dừng tính theo giá điện bậc thang là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp sau thời gian thực hiện chỉ thị 16, hy sinh các mục tiêu kinh tế để tập trung phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, trong tháng 4.2020, Bộ Công Thương đã có gói hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Gói hỗ trợ này tính theo giá điện bậc thang nên khoản giảm trực tiếp cho từng hộ gia đình, từng cơ sở kinh doanh không nhiều.
Cụ thể, theo cách tính của Bộ Công Thương, mức hỗ trợ chỉ từ 17.000 đồng đến gần 63.000 đồng/tháng/khách hàng. Bộ Công Thương ước tính tổng số tiền hỗ trợ từ việc giảm tiền điện là gần 11.000 tỉ đồng.
Về đề xuất này, tại cuộc họp, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói rằng gói hỗ trợ giảm tiền điện, giá điện theo Nghị quyết 41 áp dụng từ kỳ thu tháng 5. Sau 3 tháng thực hiện gói hỗ trợ này, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp theo tùy tình hình dịch bệnh và tình hình sản xuất.
Về việc tạm dừng cách tính giá điện bậc thang, ông Hải cho biết với doanh nghiệp, hiện tại Bộ Công Thương chỉ áp dụng giá điện một bậc, còn cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng cho người tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng có phương án cải tiến cách tính giá theo 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay.
Phương án này đã chuyển, lấy ý kiến góp từ của các tỉnh, thành kể cả doanh nghiệp. Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được 122 ý kiến đóng góp, trong đó có 113 ý kiến chọn cách tính giá điện 5 bậc, 7 ý kiến chọn cách tính 4 bậc và chỉ có một ý kiến chọn cách tính giá điện 1 bậc.
Ông Hải nhìn nhận cách tính giá điện bậc thang nhằm đảm bảo mức hỗ trợ tốt nhất cho người thu nhập thấp, mức tiêu thụ điện thấp. Nếu áp dụng giá điện một bậc thì giá điện sẽ cao hơn mức giá bậc 1 đang áp dụng cho nhóm khách hàng tiêu thụ điện thấp. Do vậy, nếu thực hiện như đề xuất của TP.HCM thì sẽ có 1,26 triệu hộ khách hàng thu nhập thấp sẽ phải trả thêm tiền điện.
Bên cạnh giá điện, ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế.
Ngoài ra, thành phố còn kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6.2020 được giãn tiến độ năm tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến - Ảnh: HMC
Cũng tại cuộc họp này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp các doanh nghiệp tại TP.HCM phục hồi sản xuất.
Theo ông Nhân, Chính phủ và TP.HCM đều có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi nhưng gói Trung ương rất quan trọng. Ông Nhân cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh tế TP.HCM 4 tháng qua bị giảm sút. Đến nay, TP.HCM có 7.773 doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa, chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi trả các khoản vay, khoản nợ, giữ chân người lao động thì từ tháng 5.2020, doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất trở lại, nhiều tiềm năng phục hồi kinh tế.
Phan Diệu