Nhà du hành Nga sẽ ngồi tàu Mỹ bay lên trạm gần Mặt trăng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:14, 06/05/2018
Hãng thông tấn Nga RIA novosti dẫn nguồn tin trong ngành tên lửa vũ trụ cho biết nhà du hành vũ trụ Nga đầu tiên có thể bay lên trạm quỹ đạo gần Mặt trăng trên con tàu vũ trụ Orion của Mỹ vào năm 2024. Mục đích của chuyến bay là lắp ráp mô đun của Nga trên trạm quỹ đạo gần Mặt trăng Lunar Orbital Platform - Gateway.
Vào giữa tháng 4 vừa qua, tại Mỹ đã diễn ra cuộc họp của nhóm quốc tế xác định các thông số kỹ thuật của căn cứ gần Mặt trăng đầu tiên. Nguồn tin cho hay: “Trong khuôn khổ của các cuộc đàm phán, hai bên đã phác thảo các sứ mệnh có người lái trong tương lai tới trạm gần Mặt trăng, bao gồm khả năng một nhà du hành vũ trụ Nga trong phi hành đoàn của con tàu Orion, sẽ kéo mô đun của Nga lên trạm Mặt trăng. Nhà du hành vũ trụ Nga sẽ bảo đảm việc kết nối tại chỗ mô đun với trạm quỹ đạo Mặt trăng".
Thông tin này cũng được nguồn tin của RIA novosti tại Tập đoàn tên lửa vũ trụ Nga Energia - nhà sản xuất môđun của Nga -xác nhận. Theo đó, vào thời điểm hiện tại, các bên đang bàn về 4 sứ mệnh có người lái lên trạm. Nhà du hành vũ trụ Nga sẽ đi cùng với mô đun của Nga trong quá trình vận chuyển lên trạm trong khuôn khổ của một chuyến bay. Có lẽ một nhà du hành vũ trụ khác sẽ gia nhập phi hành đoàn trong chuyến bay khác. Trong tương lai, nếu chế tạo một phiên bản tàu Mặt trăng có tên Liên bang thì các nhà du hành vũ trụ Nga sẽ bay lên trạm quỹ đạo Mặt trăng trên con tàu của Nga.
Được biết, các cuộc đàm phán về việc lập một trạm gần Mặt trăng bắt đầu cách đây vài năm. Vào tháng 9.2017, Nga và Mỹ đã ký một thỏa thuận về kế hoạch tạo ra một trạm gần Mặt trăng, khi đó được gọi là Deep Space Gateway. Thông tin chi tiết về sự tham gia của Nga chưa được xác định đầy đủ, vì không có tài liệu nào được ký kết ở cấp Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roskosmos và chính phủ.
Ngoài ra, Mỹ nhấn mạnh đến việc sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Mỹ, ví dụ, chiều rộng của khoang, cũng như việc sử dụng quần áo của các nhà du hành vũ trụ do Mỹ sản xuất.
Vũ Trung Hương