Danh họa Picasso: Gã đa tình và những ‘nàng thơ’ quyến rũ
Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 07/05/2018
“Cô có gương mặt thật lôi cuốn. Tôi muốn vẽ chân dung cô. Tôi là Picasso.” - Đoạn ‘mở lời’ kinh điển được nói trước căn hộ Galleries Lafayette tại thủ đô nước Pháp năm 1927, khi lần đầu Picasso gặp cô gái trẻ ngây thơ tên Marie-Thérèse Walter.
Ngày ấy, nàng Walter xinh đẹp 17 tuổi, lớn lên tại ngoại ô Paris, sớm bị một nghệ sĩ 45 tuổi thu hút. Và dẫu từng qua lại cùng rất nhiều nhân tình trẻ, tìm lấy vô số ‘nàng thơ’ của riêng ông, Walter là cái tên quan trọng Picasso không thể chối bỏ.
Thừa hưởng vẻ đẹp Bắc Âu mạnh mẽ - quyến rũ, Walter hoàn toàn trái ngược với Olga - vợ chính thức của Picasso, người từng là một diễn viên múa ballet vóc dáng mảnh mai. Có lẽ chính do điểm đối nghịch này, Walter nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng hội họa tưởng chừng kéo dài bất tận cho danh họa người Tây Ban Nha.
Paris thập kỷ 20, 30 thế kỉ trước chứa đựng không gian nghệ thuật phồn hoa. Hầu hết giới sưu tầm, họa sĩ, nhà phê bình uy tín đều tập trung tại ‘kinh đô ánh sáng,’ giữa lúc Picasso là tâm điểm chú ý. Và Walter bấy giờ được ngầm hiểu như ‘nàng thơ’ giúp ông thêm giàu có, với khả năng vẽ hăng say. Tin đồn xoay quanh mối quan hệ yêu đương mập mờ giữa họ lan truyền đến cả ngoài phạm vi Paris.
Hình tượng Picasso như một gã đàn ông ‘đa tình,’ đôi lúc tự phụ và có khuynh hướng xem nhẹ phụ nữ, thể hiện sống động qua tác phẩm tài liệu gây tranh cãi gần đây - ‘Genius.’ Mùa 2 series truyền hình do đài National Geographic (Mỹ) sản xuất, theo chân danh họa trong thời kì sung mãn nhất của sự nghiệp, khi ông tạo ra nhiều bức vẽ đắt giá xen lẫn loạt scandal tình ái ồn ào.
Nỗ lực thẩm định ‘biểu tượng hội họa’ Picasso dù bao hàm nét tiêu cực, vẫn xuất phát từ một vài sự thật lịch sử.
Đầu những năm 1930, chủ nghĩa Phát xít khởi nguồn tại Ý, dần lan tỏa đến quê hương vị họa sĩ tài danh. Trong lúc Hitler bành trướng sức ảnh hưởng, đàn áp nghệ thuật đương đại, Picasso, hơn bao giờ hết, khao khát ‘bứt mình’ khỏi áp lực chính trường. Ông thay đổi phong cách hội họa liên tục, điều không ít chuyên gia mỹ thuật nhận định, là dấu hiệu của chứng tâm thần phân liệt Picasso kìm hãm từ lâu. Đến Paris định cư, bắt đầu cuộc phiêu lưu ‘tình trường’ dai dẳng, dường như là cách ông đối diện xáo trộn tâm lý, tái tạo nguồn năng lượng nghệ thuật.
Xưởng vẽ Picasso thường đưa tình nhân lui tới ở Paris, nằm ngay phía trên căn hộ ông chung sống cùng vợ và con trai Paulo. Trái ngược mái nhà trưởng giả, lối sống xa xỉ nhưng đầy quy tắc truyền thống ông chia sẻ với Olga, ở studio riêng, Picasso khiến Walter trở nên ‘bất tử’ phía trong khung tranh theo cách chưa từng có. Chân dung ‘nàng thơ’ minh chứng cho một cột mốc lý thú nơi dòng chảy mỹ thuật hiện đại, mới mẻ đến mê hoặc.
Tấm tranh về Walter được nhắc nhớ đến tận ngày nay là bức ‘The Dream,’ Picasso thực hiện ngày 24.1.1932. Người đẹp trong tranh đang ngồi trên ghế, gương mặt thư giãn. Một bên vai áo nàng rủ xuống làm lộ bầu ngực căng tràn, cùng đôi tay nhẹ nhàng đặt giữa lòng.
Năm 2013, bức vẽ được liệt vào hàng ‘tuyệt tác’ này có giá xấp xỉ 155 triệu USD. ‘The Dream’ hiện vẫn nằm trong danh sách những tác phẩm đắt đỏ nhất mang thương hiệu Picasso.
Mặt khác, phần lớn tranh vẽ chân dung, phác họa mô tả vẻ đẹp mỹ nhân người Pháp, đều ‘nóng bỏng’ đến mức dự án truyền hình ‘Genius’ khó lòng chuyển tải hết trước màn ảnh. Picasso từng vẽ vô số bản thảo tranh khỏa thân về Walter, dưới đa dạng tư thế, thần thái. Giờ đây, rất nhiều tác phẩm trong số này thuộc sở hữu của những nhà sưu tầm tư nhân, hiếm khi được trưng bày công khai.
Mối tình có lúc mãnh liệt giữa Picasso và Walter, tuy nhiên, phải sớm phai tàn. Sau thành công của ‘The Dream,’ họ tiếp tục qua lại thêm vài năm. Đến khi Walter hạ sinh cho Picasso một cô con gái - Maya, năm 1935, Olga đã yêu cầu ly dị ông. Dẫu vậy, Picasso từ chối tuân thủ luật hôn nhân tại Pháp, không chấp nhận quy định phân chia tài sản khi ly hôn, Olga (trên danh nghĩa) vẫn là vợ chính thức của ông, mãi đến lúc bà qua đời năm 1955.
Năm 1936, một người đẹp khác xuất hiện, nhanh chóng hút hồn vị danh họa. Dora Maar, nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh giàu tiềm năng, cũng là đồng hương của Picasso, với đôi mắt biếc trong trẻo và gương mặt duyên dáng, trở thành ‘nàng thơ’ lôi cuốn không kém Walter.
Lần đầu gặp nhau, Picasso lập tức bị cuốn hút vì vẻ ngoài tươi trẻ, kiêu kì lẫn sự hiểu biết ở Maar. Hội ngộ mùa hè năm ấy, họ thảo luận về nghệ thuật và bí mật hẹn hò. Picasso cho ra đời hàng loạt bức vẽ về nữ nhiếp ảnh gia, không ít tác phẩm có nội dung gợi cảm.
Từ sau năm 1936, Maar với tầm nhìn mỹ thuật riêng, đã tạo ảnh hưởng nhất định lên danh họa người Tây Ban Nha. Dự án hội họa kinh điển của ông, bức ‘Guernica’ khổng lồ (hoàn tất năm 1937), được Maar chụp lại toàn bộ công đoạn vẽ. Bằng máy ảnh, bà ghi dấu gần như trọn vẹn mọi khoảnh khắc Picasso say mê làm việc. Vị họa sĩ thậm chí cho phép Maar chạm vào cọ, họa một số đường nét trên tác phẩm lớn.
Walter bất ngờ đến thăm Picasso khi ông đang cùng ‘nàng thơ’ mới hoàn thành ‘Guernica.’ Như một điều khó tránh, Walter và Maar nổ ra tranh cãi gay gắt. Picasso vẫn bình thản vẽ.
Nhắc về sự kiện này, ông bày tỏ: “Tôi thích cả hai người họ, vì những lý do khác nhau. Marie-Therese luôn ngọt ngào và dịu dàng, cô ấy làm mọi điều tôi yêu cầu. Dora, bên cạnh đó, lại rất thông minh".
Cuối buổi ‘chạm trán’ căng thẳng, Maar bỏ về. Và dù cố gắng tránh mặt nhau, 2 người phụ nữ sẵn lòng duy trì quan hệ cùng Picasso thêm nhiều năm nữa. Cho đến năm 1943, ông ruồng bỏ Walter lẫn Maar vì một nhân tình khác trẻ trung hơn.
Francoise Gilot, họa sĩ, nhà phê bình và tác gia người Pháp, chỉ 21 tuổi khi gặp Picasso lần đầu. Ngay trong thời gian đầu qua lại, vị danh họa hơn bà 40 tuổi đã thẳng thắn nói về những mối quan hệ ái tình trước kia ông trãi qua, “Với tôi chỉ có 2 kiểu phụ nữ - nữ thần và người tầm thường.”
Bất kể bị xem là gì, Gilot chấp nhận ở cạnh Picasso suốt 10 năm tiếp theo, sinh cho ông 2 người con. Bà từng nói, “Mỗi khi tôi cảm thấy bản thân tự mãn như một nữ thần, ông ấy sẽ làm mọi cách để ‘bình thường hóa’ tôi.”
Như Ý (theo DailyBeast)