Thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông vẫn còn nặng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:32, 04/05/2018

Ngay sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được giới thiệu trên mạng lấy ý kiến dư luận, ban soạn thảo đồng thời thử nghiệm tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.

Trong chiều 3.5, Bộ GD-ĐT và Ban soạn thảo Chương trình phổ thông mới đã công bố các thông tin liên quan đến kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về Dự thảo các chương trình môn học mới.

Ban soạn thảo Chương trình phổ thông mới cho biết: Phần lớn các bài học thực nghiệm đã xác định đúng những yêu cầu cần đạt; chú trọng tổ chức các hoạt động học tập, tương tác cho học sinh. Tuy nhiên, quá trình thực nghiệm cũng cho thấy: Một số yêu cầu của chương trình còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; vẫn còn nặng về trang bị kiến thức, nên chưa tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống. Ban phát triển chương trình đã phân tích kết quả thực nghiệm để tiếp thu và chỉnh sửa chương trình từng môn học cho phù hợp với tình hình thực tế.

Quá trình thực nghiệm cũng cho thấy: Nhiều giáo viên đã vận dụng tốt phương pháp tổ chức hoạt động, trao quyền chủ động cho học sinh, sử dụng hình thức trò chơi, hình thức thảo luận nhóm, thảo luận cặp đôi... để học sinh học một cách thoải mái, hứng thú. Giáo dục Lào Cai trở thành một điểm sáng khi có nhiều bài dạy thực nghiệm thành công. Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy và học trong thời gian qua.

Quá trình thực nghiệm cũng chỉ ra thực tế là vẫn còn một bộ phận giáo viên tham gia chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần. Điều này đặt ra thách thức cho Bộ GD-ĐT trong việc tập huấn và nâng cao trình độ giáo viên trên toàn quốc để đáp ứng chương trình khi triển khai trong thực tế.

Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố về chương trình này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình, cho biết. "Có một thực tế là ở nơi nào học sinh đã quen và chủ động tìm hiểu khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng thì tiết học diễn ra tốt. Giáo viên nào đầu tư cho bài giảng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì tiết học cũng hiệu quả hơn. Giữa các cấp học cũng có sự khác biệt về đội ngũ giáo viên, cụ thể là thầy cô tiểu học, tôi đánh giá là có sự tích cực rõ nét trong đổi mới, trong khi đó khối giáo viên trung học bị cuốn hơi nhiều thời gian vào các kỳ thi nên không có sự chú tâm bằng.

Nhiều giáo viên kêu chương trình giáo dục phổ thông mới còn quá khó với học sinh

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, sau khi thực nghiệm, thành viên Ban soạn thảo đã chỉnh sửa chương trình sao cho hoàn chỉnh và nhẹ nhàng cho học sinh. "Lớp 1 chỉ có 6 môn học thôi, không quá khó để hoàn thiện khâu viết sách trong khoảng hơn 1 năm tới. Cố gắng để chương trình được ban hành kịp thời, còn lại phụ thuộc vào tiến độ của đội ngũ viết sách”- GS Thuyết nhấn mạnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, việc thực nghiệm này được xem là lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử cải cách giáo dục nước ta. “Trong 3 lần cải cách giáo dục lớn, chúng ta chỉ đổi SGK dựa trên chương trình cũ nên không thực nghiệm chương trình. Vì thế đây là việc làm rất mới, trong đó SGK thực nghiệm sau chương trình, trên cơ sở xác định nội dung, yêu cầu, kiến thức của chương trình rồi mới thực nghiệm sách” – GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Đợt thực nghiệm diễn ra trong khoảng một tháng, sau 6 tháng chuẩn bị các khâu. Phạm vi thực nghiệm gồm một số trường thuộc 6 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ. Mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT.

Cấp tiểu học có 147 tiết, cấp THCS có 129 tiết, tấp THPT có 96 tiết, tổng cộng có 372 tiết. Nội dung đợt thực nghiệm còn lấy phiếu khảo sát giáo viên (online) với 37 phiếu, phỏng vấn sâu giáo viên liên quan đến chương trình mới.

Chương trình giáo dục phổ thông giảm lý thuyết hàn lâm, tăng kiến thức thực hành, nhất là hướng đến giải quyết các vấn đề của học sinh. Đó là điều mà thực tế các trường rất muốn đưa vào chương trình chính thức nhưng không có thời lượng. Tuy nhiên, sau khi thực nghiệm, giáo viên phản ánh còn nhiều nội dung khó.

Hải Yến

Hải Yến