Lợi và lo khi du khách Trung Quốc tràn ngập các nước châu Á
Quốc tế - Ngày đăng : 05:40, 04/05/2018
Một thập niêntrước, quần đảo Rock của quốc đảo Palau là thiên đường cho những du khách tìm kiếm sự tĩnh lặng. Họ sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, tham quan đầm phá và lặn biển ngắm cá hiếm. Sau đó, khách Trung Quốc kéo đến.
Ông Ngiraibelas Tmetuchl, Chủ tịch Cơ quan Du lịch Palauđánh giá: “Trải nghiệm du lịch tại đây đã bị pha loãng. Bạn trả nhiều tiền để được hưởng cái độc đáo, nhưng hiện nay phải trải nghiệm nó cùng với nhiều người”.
Các quốc gia khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng gặp tình trạng tương tự. Du khách Trung Quốc đem lại nguồn tiền khổng lồ cho nền kinh tế địa phương. Nhưng số lượng khách quá lớn cũng làm tăng lo ngại về tác động lên môi trường và đôi lúc khiến người dân bản địa thấy khó chịu.
Không những vậy, Bắc Kinh dường như nhận ra có thể dùng khách du lịch như một công cụ chính trị, giống như các dự án cơ sở hạ tầng.
Trong trường hợp của Palau, lượng khách Trung Quốcnăm 2015 lênđến 88.476 lượt, trong khi dân số của quốc đảo này chỉ có 21.500 người. Lượng khách quá đông đem lại nỗi lo nguy cơ ô nhiễm môi trường, buộc chính phủ phải cắt giảm một nửa số chuyến bay từ Macau hay Hồng Kông tới đây.
Theo Tổng thống Palau Tommy Remengesau: “Diện tích nhỏ, dân số ít và môi trường dễ bị tổn hại của Palau không phù hợp với khách du lịch số lượng lớn. Chúng tôi muốn đón những du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, tôn trọng môi trường”.
Lượng khách Trung Quốc tớiPalau năm 2017 đã giảm 1/3 so với năm 2015. Điều chính phủ quốc đảo này muốn đã đạt được, nhưng nó cũng đem lại hậu quả. Jackson Henry, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến kinh tế và xã hội Palau - Trung Quốc cho biết tình trạng này khiến những con thuyền du lịch nằm bờ, còn phòng khách sạn luôn trống. Năm 2015, kinh tế Palau tăng trưởng 11,4%, nhưng năm ngoái đã giảm 0,5%.
Tác hại môi trường gắn vớilợi ích kinh tế
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO), du khách Trung Quốc năm 2017 chi tiêu đến 258 tỉUSD, chiếm 1/5 tổng chi tiêu du lịch toàn cầu. Cũng trong năm này, có 130,5 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, gấp 3 lần so với 10 nămtrước. Những điểm đến ưa thích của họ là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Chính quyền Bắc Kinh vào tháng 3.2018 đã hợp nhất Bộ Văn hóa với Cục Du lịch quốc gia thành Bộ Văn hóa và Du lịch. Ông Wolfgang Georg Arlt, người đứng đầu Viện Nghiên cứu du lịch quốc tế Trung Quốc, đánh giá động thái này cho thấy ngành du lịch đang có tầm quan trọng như một công cụ quyền lực mềm và cơ hội để cường quốc châu Á nàymở rộng ảnh hưởng về văn hóa.
Tại Indonesia, khách Trung chiếm 14% trong tổng số 14 triệu khách đến quốc gia này năm 2017, tăng gấp 16 lần so với 10 năm trước. Hơn 2/3 trong số ấyđến Bali.Hầu hết nhà hàng ở Bali đều có thực đơn tiếng Hoa. Nhiều nhà hàng Trung Quốc mọc lên khắp đảo, có những bãi đỗ lớn để đón xe buýt du lịch. Thu ngân các cửa hàng biết nói tiếng Hoangày càng phổ biến.
Trong khi kinh doanh bùng nổ, một số người dân địa phương lại không hài lòng với cách cư xử của du khách Trung Quốc. Một quan chức ngành du lịch của Bali cho biết: “Tôi không biết liệu có phải người Trung Quốc làm tăng lượng rác trên đảo hay không, nhưng có một điều chắc chắn: Họ đi đến đâu là trên mặt đất lại có rác đến đó”.
Ở Thái Lan, chính quyền tỉnh Krabi đã quyết định đóng cửa vịnh Maya trong vòng 4 tháng (kể từ tháng 6.2018) để hệ sinh thái khu vực này có thời gian phục hồi. Số khách đến đây đã đạt đến gần 5.000 người/ ngày. Hiện giới chức năng đang cân nhắc hạn chế lượng du khách ở mức 2.000 người/ngày.
Đảo Boracay của Philippines cũng phải đóng cửa 6 tháng cho mục đích phục hồi môi trường. Tổng thống Rodrigo Duterte đã cho ngừng dự án xây một khu nghỉ dưỡng tích hợp 500 triệu USD trên đảo. Năm 2017, khách Trung Quốc đến Bocaray đạt 375.284 người, chiếm 38% tổng số du khách.
Quyền lực mềm “không mềm”
Tuy vậy, sinh thái không phải mối lo duy nhất. Một số nước đang cảnh giác với nguy cơ Bắc Kinh dùng “quyền lực mềm” du lịch theo cách “không hề mềm”. Hàn Quốc là nước đã có bài học về việc này.
Quan hệ Trung-Hàn từ tháng 3.2017 đã xấu đi vì Seoul quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Để đáp trả, Bắc Kinh yêu cầu các công ty du lịch không bán tour sang Hàn Quốc. Tổng lượng khách đến nước này năm ngoái giảm 22,7% so với năm trước.
Chính phủ các quốc gia châu Á đã phải suy nghĩ lại về chiến lược du lịch của mình, cũng như tìm kiếm những đối tượng khách thay thế. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in xúc tiến “chính sách hướng nam”, tập trung thu hút khách du lịch đến từ Đông Nam Á kèm với cải thiện hợp tác kinh tế-chính trị trong khu vực.
Trong khi đó, Thái Lan bắt tay vào xử lý những tour “0đồng”giá rẻbuộc du khách phải mua sắm và ăn uống ở những điểm nhất định, hầu hết lợi nhuận chảy vào túi của những nhà khai thác du lịch và cửa hàng Trung Quốc.
Theo ông Arlt, những nước thu hút khách Trung Quốc nên tập trung vào những người giàu có hơn. Ông đề xuất: “Các điểm du lịch nên phát triển thương hiệu của mình cũng như dịch vụ cao cấp cho những nhóm đặc biệt, chứ không nên chỉ hút phân khúc thấp”.
Cẩm Bình (theo Nikkei Asian Review)