Cầu Thăng Long bị ‘bức tử’ vì rác thải
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:46, 27/04/2018
Vài năm nay, ở dưới chân cầu Thăng Long đoạn đường dẫn lên tầng 1 cầu Thăng Long (hướng từ cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài đi vào) thuộc địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội) người dân buôn bán khá đông. Hai bên đường dẫn lên và dẫn xuống của tầng 1, phía Bắc cầu Thăng Long, cây cỏ mọc um tùm, không chỉ khiến không gian trở lên âm u mà còn che khuất tầm nhìn của người đi đường.
Theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, đây chính là tụ điểm xả rác thải sinh hoạt của nhiều người dân khiến khu vực này luôn trong tình trạng bị ô nhiễm, bốc mùi mỗi khi trời mưa hoặc nắng to. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, mất mỹ quan đô thị.
Không chỉ ở chân cầu mà gầm cầu là những bãi rác lớn, tự phát với đủ loại rác, chủ yếu là túi ni lông, chai lọ nhựa vứt tràn lan, nổi lềnh bềnh trên mặt ao tù, nguồn nước ô nhiễm chuyển màu đen sì như dầu luyn, xác động vật phân hủy bốc mùi hôi thối, nồng nặc… Xung quanh ruồi muỗi ken đặc, cây cối chung quanh lá phủ đầy bụi. Môi trường ô nhiễm này sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Không chỉ rác sinh hoạt mà rác thải xây dựng như bê tông, gạch vữa, các loại rác khác cũng bị chất thành đống, trải dài khắp nơi dưới chân cầu, chỗ nào cũng ngập rác.
Một số người dân ở khu vực này cho hay, rác ở đây chủ yếu là do người ở chỗ khác đến đổ trộm, các xe chở đất đá phế thải xây dựng đổ vào ngày một nhiều nên nơi đây trở thành bãi rác lớn.
Không những thế, tận dụng gầm cầu Thăng Long, nhiều hộ còn nuôi động vật, làm xưởng cơ khí, trang trại giết mổ lợn khiến mùi hôi thối càng trở nên nghiêm trọng.
Đa số người dân sinh sống ở đây đều là người lao động nghèo, từ các tỉnh lẻ đến. Họ đến đây thuê trọ trong những phỏng nhỏ ẩm thấp, lụp xụp, bên cạnh bãi rác lớn nguồn nước ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Hóa) cho hay: “Tôi ra đây chăm con nhỏ cho con gái đi làm, nhiều hôm buổi chiều tối tôi thấy người ta mang đến cả xe rác, tôi có nói họ nhưng họ bảo bà ở đâu đến bà có quyền gì mà nói”.
Bãi rác tự phát này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người dân khu vực này. Chị Lê Thị Hoa đã sống gần 10 năm ở khu vực này chia sẻ: “Càng ngày rác càng nhiều, không chỉ rác sinh hoạt của người dân quanh đây, mà cả ở những nơi khác mang đến, thậm chí người đi trên cầu tiện tay cũng ném xuống”.
Vì cuộc sống khó khăn nên người dân ở đây ngày ngày phải chấp nhận việc sống chung với rác. Chị Hoa cho biết thêm: “Hầu như các gia đình ở đây sáng đi làm, tối về đóng kín cửa. Những ngày nắng thì bốc mùi nồng nặc, tôi cũng chả biết tả nó như thế nào chỉ biết nó khó chịu, hôi và nôn nao người. Nhiều lần gia đình tôi đã phải bỏ cơm vì mùi bốc lên không chịu được. Ngày mưa thì lụt lội, ảnh hưởng nghiệm trọng đến sinh hoạt hằng ngày.” Sợ nguồn nước bị ô nhiễm nên hầu hết người sống ở đây đều đi mua nước về dùng sinh hoạt.
Tuy rác đã được đốt, nhưng hết ngày này qua ngày khác, rác lại chồng chất. Không chỉ có thế, do sự thiếu ý thức của người dân, rác đổ la liệt rải khắp chân cầu mà không tập trung một chỗ, gây khó khăn cho việc thu gom, tiêu hủy.
Ông Vũ Văn Nho (60 tuổi), người đã sống ở khu vực này hơn 30 năm nói: “Chúng tôi đã từng đề nghị lên chính quyền, nhưng rất khó giải quyết dứt điểm. Chính quyền từng tổ chức bắt phạt những người đổ rác trộm đêm khuya, ra mức phạt nhưng vẫn không hiệu quả. Cấm chỗ này, người ta lại đổ chỗ kia. Không chỉ rác của người dân xung quanh đây mà cả người đi đường đặc biệt là dân buôn bán, đổ cả hàng bao tải rau quả thối xuống.
“Nhiều lần tôi tận mắt thấy cảnh người đi trên cầu thản nhiên vứt nhiều túi rác xuống đây”, ông Nho nói thêm.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận:
Bài và ảnh: Hoàng Ngân