Câu chuyện của nhà thám hiểm đầu tiên trong lịch sử đến Nam cực bằng năng lượng tái tạo

Du lịch - Ngày đăng : 11:50, 26/04/2018

Đó là câu chuyện của Barney Swan, nhà thám hiểm đầu tiên tiên trong lịch sử đi bộ đến Nam cực trong thời gian gần 2 tháng bằng năng lượng tái tạo.

Barney Swan sinh ra tại Luân Đôn, Anh Quốc, và chuyển đến vùng nhiệt đới Viễn Bắc Queensland, Úc vào năm 7 tuổi. Lớn lên trong môi trường không có điện lưới đã giúp anh thấu hiểu giá trị của năng lượng, khi anh thường xuyên không có những lựa chọn tiện nghi.

Ngày 15.1 năm 2018, sau 56 ngày khi trượt tuyết qua quãng đường 1.000km trong cái lạnh khắc nghiệt có lúc lên đến -54 độ C, Barney Swan cùng với hai nhà thám hiểm khác trở thành người đầu tiên trong lịch sử đến Nam cực hoàn toàn nhờ năng lượng tái tạo. Thành tích đáng kinh ngạc của anh đánh dấu sự ra mắt của ClimateForce Challenge, một chiến dịch kéo dài 7 năm mà anh cam kết loại bỏ 326 triệu tấn CO2 ra khỏi bầu khí quyển trước năm 2025.

Sử dụng cuộc hành trình này như nền tảng thể hiện sự cam kết của mình, anh hợp tác với các nhà tài trợ và các đối tác để trao quyền cho khán giả đưa ra các giải pháp, đối thoại và các kế hoạch hành động có thể đo lường được những tác động xung quanh việc phát triển bền vững.

Barney điều hành Quỹ 2041 – nơi theo đuổi mục tiêu tập hợp các tổ chức, các nhà giáo dục, các nhà sáng chế công nghệ nhằm tìm ra các giải pháp bảo vệ thế giới và vì một tương lai có năng lượng sạch và bền vững hơn. Anh đồng thời điều hành các cuộc thám hiểm và các cuộc phiêu lưu của 2041 trên toàn cầu. Trong 5 năm qua, anh đã phát triển và áp dụng các kỹ năng của mình trong các mảng gồm kĩ thuật leo núi, quản lý rủi ro, kỹ thuật đi thuyền và chỉ đạo nhóm hoạt động ngoài trời.

Barney Swan, nhà thám hiểm đầu tiên tiên trong lịch sử đi bộ đến Nam cực - Ảnh: Forbes vn

Câu chuyện về chuyến đi lớn nhất trong đời được anh chia sẻ trong diễn đàn Under 30 Summit do tạp chí Forbes Việt Nam vừa tổ chức ngày 24.4. Diễn đàn lần này dành cho các doanh nhân trẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, những người nhanh nhạy và có những chuẩn bị trước sự thay đổi của công nghệ đối với cuộc sống và thế giới con người.

Và sau đây là chia sẻ của Barney Swan:

“Nam cực là thánh địa trong lòng tôi, có ý nghĩa chỉ sau gia đình tôi.

Khi tôi muốn đi du lịch nhiều hơn và kết nối tốt hơn vào thế giới tự nhiên. Tôi cảm thấy mình không trung thực lắm khi vẫn sử dụng đồ nhựa, đi xe hơi... làm tác động tới tự nhiên. Từ đó, tôi chiêm nghiệm và đi đến quyết định thực hiện chuyến hành trình đến Nam cực mà tôi đã tiến hành năm ngoái bằng năng lượng tái tạo.

Hàng ngàn tấn băng đã bị phá vỡ khỏi lục địa Nam cực và bắt đầu tan chảy. Tôi nghĩ cần phải làm gì đó để cống hiến cho tự nhiên. Vì sao khí hậu thay đổi? Tôi tìm ra được rằng CO2 chính là nguồn cơn khi chúng được thải ra rất nhiều từ sinh hoạt của con người. Tôi dành cả tuổi thanh xuân để giải thích về tác động của nó và đặt ra một chiến dịch, là làm giảm 326 triệu tấn trong bảy năm. Con số này chỉ bằng 1% trong tổng phát thải toàn cầu, nhưng đó là mục tiêu của tôi đến năm 2025. CO2 ảnh hưởng rất nhiều đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Hoạt động công nghiệp phát thải ra càng nhiều CO2. Những nước công nghiệp như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Arab Saudi chiếm rất nhiều lượng CO2 trên toàn cầu. điều đó đang ngày càng tạo ra nhiều biến đổi khí hậu. Băng tan tạo ra hiện tượng nước biển dâng. Nếu nước biển dâng thêm một mét sẽ làm giảm 20 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10% GDP của Việt Nam. Lúc đó 10% dân số của chúng ta phải sơ tán. 200 năm sau, ngay cả trong thế kỷ này, nếu không giải quyết vấn đề này thì nước biển sẽ dâng lên.

Năm 2041, toàn bộ các nước trên thế giới sẽ rà soát lại bản hiệp ước quốc tế về Nam cực. Tôi nghĩ nên để Nam cực ở tình trạng nguyên sơ không nên khai thác gì hết. Tôi luôn thấy mặc cảm tội lỗi khi vừa đi du lịch vừa phát thải.

Cha con tôi đã bắt đầu hành trình đến Nam cực bằng năng lượng tái tạo. 3 năm chuẩn bị và lên kế hoạch, Nam cực lớn bằng 2 lần Australia. Chúng tôi đi hai tháng trên thanh trượt băng. Chúng tôi có nhiều nỗ lực nhờ có 20 nhà tài trợ trên toàn cầu. Mỗi ngày chúng tôi đi 9 tiếng, ngủ trong lều, đi vệ sinh trong tình trạng nguyên sơ. 2 tháng như thế trong tình trạng giá lạnh, xung quanh chỉ có tuyết. Không có những người bạn đồng hành, chúng tôi không thể hoàn thành chuyến đi. Chúng tôi có thiết bị nấu băng thành nước, hâm nóng đồ ăn, lương khô..., thiết bị sạc pin bằng năng lượng mặt trời. Mỗi ngày đốt 8-9.000 Kalo. Chúng tôi chỉ có thể được tiêu thụ 6.000 Kalo, tôi sụt 12 kg trong chuyến đi đó. Lúc nào chúng tôi cũng chỉ nghĩ đến đồ ăn thức uống, đó cũng là lúc tôi rất cảm thông với những người nghèo đói.

Sau hai đến ba tuần, cha tôi cảm thấy khó chịu. Trời đêm rất lạnh, chúng tôi không vui và phải tiết kiệm đồ ăn. Khi tôi bôi kem lên mặt cha, tôi cảm thấy thịt trên mặt cha như rã ra, đó quả là một thời gian khó khăn. Cả đội sau khi đi 500 km, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn khi sức khỏe bố giảm sút. Cuối cùng bố được một chiếc máy bay đón về. Đó là một nỗi đau xé lòng khi không còn bố cùng thực hiện chuyến hành trình. Chuyến đi cũng gian khó hơn. Tất cả công nghệ, cơ thể bị đẩy đến giới hạn tận cùng, sau 6 tuần. Đó là trải nghiệm khó tả. Tôi muốn bỏ, rất nản. Mạch máu trong cơ thể như phản đối, cơ thể bị tàn phá, mỗi bước đi là mỗi cơn đau. Chân tôi đóng băng, cóng lại, tê dại. Khó có từ nào diễn tả cảm xúc sau 8 tuần không có cây, không có thuốc, chỉ có một vùng hoang vu băng giá. Chỉ có ở trong lều đỏ mới thấy từng cơn gió đang đánh bạt bên ngoài.

Mỗi tối nằm trong lều tôi cố gắng nói chuyện với bạn đồng hành. Bắt đầu thấy ảo giác và nghe tiếng nói chuyện văng vẳng trong tai. Khi đối diện những khoảnh khắc như thế, tôi có thể chọn ấn nút cứu hộ, nhưng phải kiên cường và nghĩ tới nỗi đau nhà cửa mất đi khi nước biển dâng. Chúng tôi có lựa chọn nhưng họ thì không. Nghĩ đến điều đó tôi muốn bước đi tiếp và tưởng tượng mình trở về ngôi nhà với vườn cây, bãi cỏ... Chúng tôi muốn bỏ cuộc, đó là tác động tâm lý. Nhìn lên bầu trời Nam cực chúng tôi thấy khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, choáng ngợp. Chỉ còn vài dặm sẽ đến cực nam của Nam cực, tôi gặp lại cha. Ông ôm tôi. Cuối cùng chúng tôi đã đến được điểm tận cùng của địa cầu.

Với tôi mà nói, sau mỗi hành trình người ta hụt hẫng nhưng rất vui vì dành thời gian cho chuyến đi này. Hai tháng đi bộ và hy sinh một ngón chân. Đây không phải chuyến đi đầu tiên bằng năng lượng tái tạo, nhưng đây là chuyến đi chúng tôi tạo ra năng lượng dương, nghĩa là giảm được CO2. Chuyến đi này đã hấp thu 5% CO2 trong dự án của chúng tôi.

Trở lại với những vấn đề xã hội, đi từ vùng đất hoang vu, trở về đô thị và thích ứng lại cuộc sống này. Tôi thấy mọi người sử dụng thiết bị công nghệ rất nhiều. Tôi không nói chúng ta hãy hạn chế công nghệ, nhưng thực sự sốc khi chúng ta bị nghiện công nghệ đến mức nào. Khi chúng ta càng lệ thuộc với công nghệ, mất giao tiếp với nhau, với thiên nhiên và hành tinh này. Việc nhìn vào mắt nhau khó khăn hơn nhìn vào màn hình. Chúng ta cần phải hòa hợp và thống nhất với nhau, thay vì mâu thuẫn và xung đột. Thay vì dùng túi nilon, chúng ta nên mang theo túi riêng, sử dụng túi dùng nhiều lần thay vì túi dùng một lần. Chúng tôi ứng dụng thực tế ảo về Nam cực để trẻ em có nhận thức tốt hơn, trở thành nhân tố tích cực giảm tác động của biến đổi khí hậu và phát thải CO2. Dù có hành trình nào của cuộc đời, hãy lưu ý đến nguyên tắc bền vững hằng ngày nhằm tránh những hành động biến đổi môi trường. Là doanh nghiệp, hãy cân nhắc lượng CO2 mà chúng ta phát thải. Khi xem xét đầu tư vào doanh nghiệp, tôi sẽ nhìn vào yếu tố này để chọn họ là đối tác lâu dài”.

Nhật Hạ

thyhang