'Pê Đê' cứ về đây mà yêu đi...

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:33, 13/04/2018

Sài Gòn 2h sáng, khi những con đường đã chìm dần vào giấc ngủ muộn thì đâu đó ở góc vỉa hè vẫn râm ran những tiếng cười nói. Là buổi tụ họp hằng đêm của những chị em chuyển giới, sau một ngày làm việc thật dài, họ gặp nhau ở đây, cười giỡn với nhau để vơi đi những buồn phiền của cuộc sống.
Thoáng thấy chị Gái đang cong lưng đẩy chiếc xe bánh ướt ra đầu hẻm để bán, mén Ti liền ghẹo với cái giọng dẻo quẹo:

- Chị Gái ơi! Chị Gái có chồng chưa? Hay cưới pê đê làm chồng đi chị Gái?

Chị Gái dựng chiếc xe xong xuôi, ngay ngắn rồi quay sang chống nạnh trả lời:

- Bịnh gì mà cử! Tới luôn đi em!

Vậy rồi mấy chị em ôm bụng cười ha hả. Thiệt, hiếm có ở đâu mà người ta thương pê đê nhiều như ở Sài Gòn, mà cũng hiếm chỗ nào có nhiều pê đê dễ thương như ở Sài Gòn.

“Pê đê” cứ về đây và yêu nhau đi, Sài Gòn nhận hết, Sài Gòn thương hết! - Ảnh 1.

Dân lao động Sài Gòn ít khi gọi cộng đồng LGBTQ+ là les, gay, đồng tính hay chuyển giới bởi họ cũng không phân biệt được những khái niệm này. Đối với bà con buôn bán, họ gọi chung là pê đê. Hơn 10 năm trước, người dân vẫn còn khá khắt khe với cộng đồng LGBTQ+, đa số mọi người đều xem pê đê là bệnh hoạn, biến thái. "Chuyện pê đê bị đuổi đánh, chọc ghẹo xảy ra như cơm bữa. Hồi đó tụi chị hay tụ tập ở công viên để trang điểm, bận đầm con gái, hễ mà nghe tiếng nẹt bô của tụi thanh niên là đứa nào đứa nấy sợ xanh mặt, rồi lo chạy trốn, chứ mà bị tụi thanh niên thấy được là nó xé đầm, lột tóc giả" - chị Hai bán xôi (người chuyển giới nữ) kể lại cho tôi nghe về khoảng thời gian khó khăn của người chuyển giới ở Sài Gòn trước đây.

Nhưng những năm gần đây, Sài Gòn phát triển vượt trội về nhiều mặt, trở thành đầu tàu của cả nước về kinh tế lẫn văn hoá, xã hội. Người dân ở đây có cơ hội tiếp cận các thông tin cởi mở hơn nên cách nhìn về cộng đồng LGBTQ+ cũng thoải mái dần.

Và cũng không tự nhiên mà người đồng tính hay chuyển giới ở khắp Việt Nam vẫn luôn khát khao được trốn chạy khỏi những khuôn phép của làng quê để đến Sài Gòn sinh sống. Ở cái xứ này, xét ra chẳng trù phú gì, đi đâu cũng toàn nhà tường cổng thép nhưng được cái dân ở xứ này luôn dư dả một thứ đặc sản mà họ sẵn sàng cho không, đó là tình người. Hễ thấy người tha phương đến Sài Gòn mà gặp phải khó khăn thì dù ít dù nhiều người ta cũng đưa tay ra giúp đỡ. Còn mà không giúp được thì cũng nhờ người khác giúp. Sài Gòn bao dung với tất cả những đứa con của mình, không phân biệt họ là ai, mang giới tính gì, giàu hay nghèo…

Giúp đỡ nhau, nhưng người Sài Gòn tôn trọng sự tự do của nhau. Ở cái thị thành quá chừng xô bồ này người ta luôn bận rộn với công việc và những lo toan cuộc sống, thật sự chẳng còn hơi sức đâu mà ngồi soi mói người này, dè bỉu người kia. Anh thợ chụp hình kia xăm rồng xăm phượng, "kệ anh ta". Cô thợ may nọ nhuộm tóc đỏ hoe, "tóc của cổ, cổ muốn làm gì làm chớ". Hay anh chàng bán bún riêu đầu ngõ thích tô son, đánh má hồng, "thì cũng kệ". Cái mà người ta quan tâm là anh thợ ảnh chụp hình có đẹp không? Cô thợ may may đồ có tỉ mẩn không? Bún riêu của anh chàng nọ có ngon không? Thế thôi.

Có lần tôi hỏi chị Gái (chị bán bánh ướt ở gần tiệm sinh tố mà nhóm chuyển giới hay ghé): "Chị có kỳ thị pê đê không?". Chị cười bảo: "Trời đất chị biết mấy đứa này từ hồi tụi nó còn là con trai, tới bây giờ đứa nào cũng thành con gái hết rồi. Có gì đâu mà kỳ thị, tụi nó pê đê mà tụi nó dễ thương, chịu khó làm ăn. Tụi nó mua bánh ướt của chị cũng trả tiền đàng hoàng có ăn giựt đâu mà chị ghét". Ngẫm lại thấy chị nói đúng, có ai ăn của ai đồng nào đâu mà làm khó làm dễ nhau làm gì.

“Pê đê” cứ về đây và yêu nhau đi, Sài Gòn nhận hết, Sài Gòn thương hết! - Ảnh 4.

Sài Gòn công bằng với tất cả mọi người. Cũng chính vì thế mà người ta tìm đến thành phố này luôn mang theo một hi vọng. Khi cơ hội được chia đều thì người nào biết cố gắng ắt hẳn sẽ thành công. Bạn có thể nhận ra rất nhiều những gương mặt trẻ thành đạt, giỏi giang ở tất cả lĩnh vực và người đồng tính chiếm một nửa số đó. Từ nhiếp ảnh đến thời trang, từ nhân viên văn phòng đến những free lancer đa-zi-năng trong ngành sáng tạo, nghệ thuật, họ không ngại thể hiện tài năng và công khai xu hướng tính dục với đồng nghiệp của mình. Họ hiểu rằng, sếp của mình đánh giá năng lực dựa trên sản phẩm, cơ hội thăng tiến đến một cách bình đẳng. Ở Sài Gòn, người ta có thể “khó ưa” một người vì tính cách của người đó chứ chắc chắn không vì giới tính của họ. Ngược lại, một người đồng tính cũng có thể được cân nhắc lên những cơ hội cao hơn trong công việc qua những gì họ thể hiện chứ không vì sự “bao dung” hoặc thương hại nào vì giới tính khác biệt.

“Pê đê” cứ về đây và yêu nhau đi, Sài Gòn nhận hết, Sài Gòn thương hết! - Ảnh 6.

Khi mà giới tính và xu hướng tính dục vô tình trở thành rào cản để chạm đến thành công, thì người đồng tính và đặc biệt là chuyển giới luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần người dị tính để có thể được xã hội công nhận. Và họ đã được đáp đền xứng đáng. Người đồng tính, chuyển giới góp mặt trong rất nhiều hàng ngũ doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, học sĩ uyên bác... ở Sài Gòn. Họ được xã hội công nhận và quý mến không chỉ về tài năng mà còn về đạo đức.

Trong giới nhiếp ảnh có thể kể đến những cái tên như cậu bạn Nguyễn Phát (Kei), nhiếp ảnh gia Phong Lê - chủ 2 dự án sách ảnh nổi tiếng trong cộng đồng LGBTQ+, giới stylist thì có Kan Hí (Ngọc Tân)... Giới nghệ sĩ ở Sài Gòn thì nhiều vô số kể, có thể kể đến như hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Cindy Thái Tài,... có Lâm Thanh Thảo thành công với cửa hàng kinh doanh thời trang và spa chăm sóc sắc đẹp, ngoài ra còn có rất nhiều những ông - bà chủ nhỏ là người LGBTQ+ - những người sở hữu các shop thời trang hay cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn.

Nhắc đến thể thao thì lại có vận động viên thể hình chuyển giới Kendy Nguyễn. Kendy Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Trang, anh là người chuyển giới nam. Kendy cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ năm 2005. Kendy bén duyên với thể hình với mục đích cải thiện sức khoẻ, nhưng rồi được mọi người giúp đỡ tận tình anh đã đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Với nỗ lực của bản thân Kendy đã dần trở thành một người đàn ông thực thụ. Thành tích cao nhất mà anh chàng đạt được đến thời điểm này là Huy chương vàng tại Giải Vô địch Thể hình quốc gia lần thứ 19/2016.

Khi mà giới tính vô tình trở thành rào cản để chạm đến thành công, thì người đồng tính và đặc biệt là chuyển giới luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần người dị tính để có thể được xã hội công nhận.

Hay như cô hoa hậu chuyển giới xinh đẹp HySa B, từ một chàng trai nghèo khó lên Sài Gòn, giờ đây HySa B đã có một cuộc sống ổn định và được nhiều người yêu mến. Cô bạn luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Sài Gòn bởi: "Nơi này là miền đất hứa, chắp cánh cho những giấc mơ của tất cả mọi người!".

HySa B kể, đa số bạn bè của cô là người Sài Gòn, họ luôn bên cạnh động viên cô trong từng khoảng thời gian khó khăn của cuộc sống. "Khi mình còn là con trai, mẹ của một người bạn mình từng nói: Cô mà trúng số, cô cho con tiền đi chuyển giới liền! Mình luôn biết ơn Sài Gòn và con người ở đây vì những điều nhỏ nhặt đáng yêu như thế".

Tính tình Sài Gòn sòng phẳng vậy đó, nên ở đây chuyện hai người đàn ông nắm tay nhau đi ngoài phố hay hai cô gái hôn nhau giữa chốn đông người cũng chẳng bị ai nói gì (hoặc có nói thì nói nhỏ nhỏ đủ cho nhau nghe thôi, nói xong cũng quên!).

“Pê đê” cứ về đây và yêu nhau đi, Sài Gòn nhận hết, Sài Gòn thương hết! - Ảnh 8.

Bạn có thấy một điều từ lâu đã trở thành khá "hiển nhiên" này không? Đó là đa số các bạn trẻ LGBTQ+ đến Sài Gòn lập nghiệp và đã thành đạt, thậm chí, cực kỳ thành đạt.

Ở Sài Gòn, các bạn trẻ đồng tính có cuộc sống cực kỳ thoải mái. Không chỉ gạt được "gánh nặng" bị người khác xét nét, soi mói - họ còn được tự do làm công việc mình giỏi nhất, với sự nhìn nhận công bằng và trân trọng nhất. Thế nên, chẳng có gì lạ khi ở Sài Gòn, nhiều bạn trẻ đồng tính phát triển được sự nghiệp một cách trọn vẹn.

Những người trong cộng đồng LGBTQ+ cũng thừa nhận rằng, khi làm việc trong những công ty ở Sài Gòn, họ luôn cảm thấy thoải mái được là chính mình hơn. Nhiều bạn trẻ đồng tính ở Sài Gòn thành đạt và có vị trí cao nơi công sở, được đồng nghiệp tôn trọng tuyệt đối. Họ đều là những người được thể hiện hết khả năng của mình trong công việc, trong cuộc sống. Họ hoà nhập với môi trường như một phần không thể thiếu của bất cứ công ty nào. Chưa kể, với tính cách phóng khoáng vốn có, bạn trẻ LGBTQ+ nào khi tới Sài Gòn cũng nhanh chóng cuốn vào một lối sống hiện đại, trẻ trung. Làm hết sức, chơi hết mình - đa số các bạn trẻ đồng tính ở nhiều công sở Sài Gòn là điển hình cho giới trẻ bây giờ: cực kỳ tài năng, cực kỳ thành đạt và cũng có cuộc sống sôi động với hàng dài bạn bè yêu mến.

“Pê đê” cứ về đây và yêu nhau đi, Sài Gòn nhận hết, Sài Gòn thương hết! - Ảnh 10.

Đến văn phòng, sở làm, nếu bạn muốn giấu xu hướng tính dục của mình, đồng nghiệp dù vô tình phát hiện thì cũng sẽ tinh ý và không hỏi gì nhiều, nhưng nếu bạn come - out, phần lớn mọi người đều ủng hộ. Ở đây, người ta chẳng quan tâm bạn như thế nào, người ta chỉ muốn biết bạn sống có đàng hoàng không, làm việc có chăm chỉ không?

Nhiều lúc, mình cảm giác nể các bạn đồng tính vì thấy họ không chỉ rất "duyên" mà còn rất sáng tạo. Lúc chơi thì chơi rất "lầy", mà lúc làm thì luôn đưa ra được những ý tưởng "bá đạo", đem đến những luồng gió mới cho sản phẩm của công ty. Thậm chí theo mình biết, có những công ty còn ưu tiên tuyển dụng người LGBTQ+ vì khả năng làm việc, thích nghi và sáng tạo tuyệt vời của họ", chị Quỳnh Tiên, một nhân viên văn phòng ở Sài Gòn chia sẻ.

Nếu ai đó kỳ thị đồng nghiệp vì giới tính, thì người bị cô lập không phải là người đồng tính mà là những người mãi không thể cởi mở với người khác như thế.Vậy nên ở Sài Gòn, nếu bạn thể hiện sự kỳ thị với người đồng tính, coi chừng bị… kỳ thị ngược lại nghen!

“Pê đê” cứ về đây và yêu nhau đi, Sài Gòn nhận hết, Sài Gòn thương hết! - Ảnh 12.

Sài Gòn không chỉ đem đến cho mọi người cơ hội có được một cuộc sống ổn định hơn, mà còn cho họ những chuyện tình đẹp. Rất nhiều cặp đôi đã gặp nhau, yêu nhau và về chung một nhà ở tại chính thành phố này.

Ái Linh (Julian) và Phương Phạm (Weenny) là một trong những cặp đôi đồng tính nữ nổi tiếng trong cộng đồng LGBTQ+ Sài Gòn. Vượt qua rất nhiều rào cản về định kiến lẫn tình cảm Ju và Wee đã yêu nhau 16 năm. Năm 2015 lễ cưới cổ tích của Ju và Wee đã được diễn ra trên bầu trời khiến không ít người ngưỡng mộ. Chuyến bay cất cánh từ Sài Gòn đã đưa câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của Ju và Wee bay vào trời xanh như thể hiện sự tự do, khao khát của đôi lứa.

Và hẳn nhiều bạn vẫn còn nhớ lễ cưới đáng yêu của hai chàng trai Minh Tuấn (Bo Trần) và Thánh Thiện (Đạt Vương) được tổ chức vào mùa hè năm 2015. Thấm thoắt hai anh chàng đã về chung một nhà được 3 năm. Họ vẫn từng ngày vun đắp cho tổ ấm nhỏ của mình, và chứng minh về những tình yêu chân thành vẫn luôn tồn tại.

Trong bộ phim Hot boy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (tựa tiếng Anh là Lost in Paradise tạm dịch là lạc giữa thiên đường) nhân vật Khôi đã mở đầu hành trình đến với miền đất hứa của mình bằng câu hỏi:

- Người ta nói Sài Gòn là thành phố thiên đường, đúng không anh?