Ca sĩ hải ngoại Randy: 3 lần kết hôn và cuộc đời giống hệt địa ngục
Văn hóa - Ngày đăng : 14:18, 07/04/2018
Những khán giả yêu thích dòng nhạc Bolero hẳn không xa lạ với cái tên Randy. Anh là ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại từ những năm 1992 với những ca khúc như Nó, Lần đầu cũng là lần cuối, Ai cho tôi tình yêu...
Với ngoại hình cao lớn và làn da màu đặc trưng, Randy dễ khiến nhiều người nhầm là người Mỹ gốc Phi, nhưng thực tế anh lại là đứa trẻ bị bỏ rơi mang 2 dòng máu Việt – Mỹ.
Tuổi thơ khốn khó, ám ảnh vì bị bạo hành, thiếu tình thương
Randy là con của 1 quân nhân Mỹ và 1 cô gái miền Trung, nhưng khi mới được 1 tháng tuổi, người mẹ đã bỏ anh trước viện mồ cô Thánh Tâm tại Đà Nẵng.
5 năm trời sống trong viện mồ côi được Randy cho là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Bởi anh được chăm lo, được cho ăn, cho ngủ và được đối xử tử tế.
Đến năm 1976, Randy được 1 gia đình người Việt nhận nuôi. Nhưng người mẹ nuôi không hề yêu thương Randy mà sẵn sàng trút lên đầu anh những trận mưa đòn, sẵn sàng bắt anh ngủ ngoài đồng, ngoài nghĩa địa chỉ vì anh chăn bò không khéo, để nó ăn lá khoai, ăn lúa của hàng xóm khiến bà bị mắng vốn.
Thậm chí, có lần bà tưới xăng lên người Randy đòi đốt chết đứa con nuôi chỉ vì Randy để bò ăn lúa của hàng xóm.
Đến năm 1983, người mẹ nuôi này bán Randy cho 1 gia đình có chồng người Hoa, vợ người Việt với giá 3 cây vàng. Họ mua Randy với hi vọng khi anh qua Mỹ theo diện con lai, họ cũng sẽ được đi cùng.
Về ở với gia đình này, tuy không bị đánh đập nhưng Randy bị đối xử khá lạnh nhạt. Họ không cùng ngồi ăn với anh, cũng chẳng mảy may quan tâm, hỏi han. Năm 12 tuổi, Randy được đi học nhưng đến khi học tới lớp 3, anh buộc phải nghỉ vì gia đình này coi việc học của anh là 1 gánh nặng kinh tế.
Năm 1987, gia đình nuôi Randy đã không còn hi vọng với việc được đi Mỹ nên bỏ mặc anh, gần như không có sự liên hệ. Lúc này, Randy bắt đầu ra ngoài làm kiếm tiền để tự nuôi thân. Đến năm 1990, Randy được đi Mỹ, và tất nhiên gia đình nọ cũng đi theo.
Nhưng thay vì biết ơn Randy, họ sống bằng tiền trợ cấp của Randy nhưng lại coi anh như kẻ ăn bám. Số tiền trợ cấp từ chính phủ Mỹ được khoảng 180 USD, Randy phải trả 100 USD cho họ coi như tiền thuê nhà và sống cả tháng với 80 USD còn lại.
Sau 2 năm ở Mỹ, Randy bắt đầu có bạn bè, người quen. Qua vài lần đi hát karaoke, bạn bè khuyến khích Randy tham dự các cuộc thi hát để tìm cơ hội. Đến năm 1992, Randy nổi tiếng ở cộng đồng người Việt tại Mỹ nhờ những bản Bolero mùi mẫn.
Hai cuộc hôn nhân đổ vỡ và hành trình tìm mẹ đầy xót xa
Từ năm 1992 – 1995 là khoảng thời gian đỉnh cao trong sự nghiệp ca hát của Randy tại Mỹ. Anh có nhiều show, có tiền và có người hâm mộ. Song, đến năm 1995, Randy rời Mỹ sang Úc định cư và kết hôn. Anh cũng tạm biệt luôn sân khấu và đam mê ca hát để chuyên tâm xây dựng mái ấm với vợ con.
Song, gia đình vợ không chấp nhận quá khứ là 1 đứa trẻ bị bỏ rơi của Randy, cộng thêm những mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày với vợ, Randy mệt mỏi và kết thúc cuộc hôn nhân này.
Năm 2002, Randy tái hôn với 1 cô gái người Hoa. Sau vài năm hạnh phúc, cuộc hôn nhân này cũng rơi vào bế tắc vì gia đình vợ không tôn trọng quá khứ của Randy. Nam ca sĩ đổ vỡ hôn nhân lần thứ 2 dù trong lòng luôn đau đáu mong muốn có 1 mái ấm gia đình.
Cuộc hôn nhân thứ 3 của Randy với 1 cô gái người Việt giấy lên trong lòng anh mong muốn được trở lại Việt Nam sống và tìm người mẹ đẻ. Sau 17 năm rời Việt Nam, Randy trở về nơi đã sinh ra anh, tiếp tục đi hát và tìm mẹ.
Trong suốt 10 năm qua, dù không có bất cứ một ký ức nào về mẹ đẻ nhưng nam ca sĩ vẫn miệt mài đi tìm.Tháng 10/2017, hàng ngàn khán giả của chương trình Hát câu chuyện tình rơi nước mắt khi Randy chia sẻ khát khao tìm mẹ.
Anh đã tìm kiếm bằng rất nhiều cách, tốn rất nhiều tiền với hàng chục lần thử ADN nhưng đều không cho kết quả như mong đợi.
Dù vậy, Randy vẫn đau đáu trong lòng rằng mẹ ruột vẫn còn sống và đang ở rất gần mình.
Sau thời thơ ấu đầy ám ảnh về bạo lực, về sự thiếu thốn tình yêu thương và sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ, Randy luôn khát khao tìm được người đã sinh ra mình chỉ để được cảm nhận hơi ấm của tình thân, được gọi 2 tiếng "mẹ ơi".