Tình báo Đức nhận định tên lửa Triều Tiên có thể phóng tới châu Âu
Quốc tế - Ngày đăng : 10:37, 19/03/2018
Theo các nguồn tin của báo Bild am Sonntag (Đức), trong một cuộc họp kín, Phó Giám đốc BND Ole Diehl nói với các nghị sĩ rằng kết luận trên là “chắc chắn”.
Ông Diehl cũng nói BND nhận định những cuộc nói chuyện liên Triều là một dấu hiệu tích cực.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên đã đi Phần Lan ngày 17.3để nói chuyện với các cựu quan chức Mỹ và Hàn Quốc, nhằm bàn khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo hãng thông tấn Yonhap.
Ông Choe Kang-il, Vụ phó Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên sẽ gặp cựu quan chức ngoại giao Mỹ Kathleen Stephens, theo nhiều nguồn tin.
Cuộc gặp ở Phần Lan tiếp sau 3 ngày đàm phán giữa các quan chức Thụy Điển và Triều Tiên, nhưng xem ra chưa thể mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Triều Tiên chưa công khai xác nhận kế hoạch gặp thượng đỉnh, và chưa biết quốc gia nào sẽ tổ chức cuộc gặp này.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nóiHàn Quốc đã đề nghị Triều Tiên “nêu rõ các điều kiện tuân thủ phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên, và lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên trực tiếp cam kết phi hạt nhân hóa, một điều kiện tiên quyết để có cuộc gặp Tổng thống Mỹ vào tháng 5 tới.
Ngày 16.3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói chuyện điện thoại với Tổng thống Trump, và hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ“sự lạc quan cẩn trọng” về khả năng cùng hợp tác để kết thúc chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuyên bố của Nhà Trắng viết: “Một tương lai tươi sáng hơn là có đối với Triều Tiên, nếu nước này chọn con đường ngay”.
Hồi đầu tháng 3, ông Trump khiến nhiều nhà quan sát bị bất ngờkhi ông đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên, tiếpsau nhiều tháng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, Triều Tiên đang theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa, thách thức các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an LHQ, và không giấu kế hoạch phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể gắn đầu đạn hạt nhân hạng nặng để tấn công lãnh thổ Mỹ.
Bình Nhưỡng nói chương trình là biện pháp phòng thủ cần thiết, đề phòng Mỹ xâm lược. Mỹ bác bỏ kế hoạch này, hiện có 28.500 quân trú đóng ở Hàn Quốc.
Từ lâu, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể bị tổn thất nghiêm trọng nếu Triều Tiên tấn công, nhưng gần đây, Mỹ và châu Âu cũng lọt vào tầm ngắm vì Triều Tiên đầu tư mạnh cho chương trình hạt nhân và tên lửa.
Năm 2017, ông Kim Jong-un liên tục dọa đánh Mỹ và các nước khác, nhưng qua năm 2018 lại tiến hành phương án đối thoại với lãnh đạo các nước.
Bích Ngọc (theo Reuters)