Nghịch lý muôn thuở của dòng nghệ thuật khiêu gợi: ‘địa hạt’ chỉ dành cho nam giới?
Văn hóa - Ngày đăng : 08:00, 17/03/2018
Nghịch lý Guerrilla Girls từng mạnh dạn nêu lên, giờ đây vẫn tiếp tục tồn tại
Trung tuần tháng 2 vừa qua, nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby tiến hành bày bán 89 bức tranh - tượng điêu khắc nóng bỏng theo chủ đề ‘Erotic: Passion & Desire.’ Trong danh sách 58 nghệ sĩ được giới thiệu, chỉ 3 người là nữ.
Như tên buổi đấu giá gợi ý, tuyển tập tác phẩm hầu hết mô tả hình ảnh phụ nữ khỏa thân dưới nhiều tư thế mỹ miều - nền nã, phong cách kinh điển của loại hình mỹ thuật khiêu gợi. Tương tự bao tranh ảnh cùng đề tài vốn khách thăm quan có thể dễ dàng trông thấy nơi hàng loạt bảo tàng hay gallery khắp thế giới, chúng phô bày nét gợi cảm cơ thể dẫu không hứng chịu mác ‘dung tục’.
Sotheby, đơn vị đấu giá vật phẩm nghệ thuật uy tín hàng đầu hiện nay, chia sẻ về đề cử tranh, tượng đăng bán: “Bất kể sinh ra để làm công cụ đấu tranh, gây shock hay nhằm quyến rũ người xem, những tác phẩm này luôn giữ vị thế tâm điểm trong nền lịch sử nghệ thuật và đồng thời, không ngừng biểu trưng cho bước phát triển chính trị - xã hội của đa dạng nền văn hóa nhân loại - mới lẫn cũ”.
“Phát triển xã hội” có lẽ đã dần trở thành cụm từ ‘nhạy cảm.’ Giữa giai đoạn làn sóng scandal tấn công tình dục hãy còn ở đỉnh cao chỉ trích từ dư luận, khi nỗ lực đấu tranh vì nữ quyền được chú tâm hơn lúc nào hết, nghệ thuật nói chung lẫn thể loại mỹ thuật khiêu gợi nói riêng, vẫn luôn thể hiện sự kiểm soát áp đảo bởi cánh mày râu.
Dựa trên thực tế đáng buồn mà chúng ta phải nhìn nhận xác đáng, về nghệ thuật chính thống và cách nhiều nữ nghệ sĩ mãi thiếu hụt các hỗ trợ - nâng đỡ cần thiết, “bước phát triển” đúng nghĩa đang nằm đâu?
Phía giảm tuyển Sotheby viết: “Tượng điêu khắc thời tiền-Columbia đặt cạnh bộ sưu tập tranh Picasso, tác phẩm nhiếp ảnh xuất chúng do Man Ray và Robert Mapplethorpe thực hiện đi liền nhóm cổ vật chạm nổi từ thế kỉ 19,.. tất cả sắp đặt song hành tạo nên cảm nhận sống động, giúp nhà sưu tập hiểu hơn về chủ thể nghệ thuật.”
Trình bày nội dung buổi đấu giá tác phẩm phong cách khiêu gợi, tuy nhiên, từ ngữ ám chỉ tính chất khiêu gợi không hề được dùng đến.
Ở môi trường mỹ thuật chính thống, khái niệm ‘khiêu dâm’ và ‘khiêu gợi’ của tranh ảnh không ngừng đan xen phức tạp. Phim, sách báo người lớn phổ biến là thứ dễ tiếp cận. Nghiễm nhiên, chúng hoàn toàn khác với những bức vẽ 18+ của George Grosz hay Mel Ramos có giá niêm yết cao ngất ngưỡng và được Sotheby liệt vào danh sách ‘tuyệt tác.’
Điểm ‘khác biệt’ tinh tế, trong trường hợp này, phụ thuộc vào góc nhìn - tư duy người nghệ sĩ.
Lynda Nead, tác giả tựa sách nghệ thuật ‘The Female Nude: Art, Obscennity and Sexuality,’ nhận xét: “Tái hiện dáng vấp người phụ nữ ở nền mỹ thuật chính thống ẩn dụ cho giá trị và tầm quan trọng căn bản của nghệ thuật, nhằm biểu tượng hóa sự chuyển đổi vẻ ngoài tự nhiên sang đường nét thanh thoát, mang theo đó dấu ấn văn hóa lẫn tinh thần”.
Duy, trái ngược vị thế ‘nàng thơ’ quen thuộc muôn đời nay, phụ nữ hiếm khi được tích cực ghi nhận ở cương vị chủ động hơn. Không ít cá nhân làm nghệ thuật, phần lớn là nam giới, dù vô tình hay hữu ý, luôn e dè trước việc chứng kiến một danh họa nữ có tên trên tác phẩm nào, đạt thành công ra sao.
Điều này hãy đang tiếp diễn, ngay cả trong kỷ nguyên nghệ thuật đương đại, khi cánh phê bình đã rất khó tìm ra điểm chênh lệch giữa tác phẩm mỹ thuật của nghệ sĩ nam và nữ.
Vang danh ở trường phái mỹ thuật khiêu gợi, họa sĩ bậc thầy người Mỹ Carolee Schneemann không ngừng đấu tranh cho quyền bình đẳng giới thông qua hoạt động nghệ thuật, từ những năm 1960. Bà thường dùng hình ảnh cơ thể như công cụ biểu đạt thông điệp về giá trị phụ nữ.
Trả lời phỏng vấn báo Guardian năm 2014, Schneemann chia sẻ: “Cơ thể người phụ nữ là một phần cảm hứng đáng trân trọng của nghệ thuật truyền thống. Họ phô bày vẻ đẹp tạo hóa dù không đòi hỏi quyền lợi gì. Họ luôn sẵn lòng vì nghệ thuật”.
Dẫu vậy, Schneemann, cùng rất nhiều nữ nghệ sĩ khác, đang giành lấy quyền làm chủ chỗ đứng xứng đáng với họ trong ‘dòng chảy’ nghệ thuật hiện thời. Riêng điểm này đã là một “bước phát triển xã hội” thiết thực.
Như Ý (bài viết của tác gia Siri Hustvedt, lược dịch từ CNN)