TP.HCM: Hồ sơ trễ hạn một phần do cán bộ nhũng nhiễu dân
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:34, 16/03/2018
Cần minh bạch trong thu phí đỗ xe
Tại phiên thảo luận ở kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM diễn ra ngày 15.3, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo tăng phí đỗ ô tô dưới lòng đường, lề đường cần áp dụng các tiêu chí hợp lý.
Theo đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, đối với điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường để đỗ xe, hiện nay mức phí mới phân ra hai khu vực và theo cụm là còn chung chung, chưa rõ ràng. Vì vậy, thành phố cần phân ra khu vực nhưng theo tuyến đường.
Cụ thể, khi căn cứ phân chia khu vực thu phí cần dựa trên 3 tiêu chí: mức độ lưu thông trên tuyến đường; ở tuyến đường đó có bãi giữ xe cá nhân hay công cộng không, có trung tâm thương mại lớn hay không; đối tượng đang sử dụng xe ô tô và khả năng trả phí.
Dựa trên 3 tiêu chí này, đối với những tuyến đường có lượng xe lưu thông cao, có trung tâm thương mại, có bãi giữ xe thì thu mức phí cao để hạn chế việc đỗ xe ở lòng, lề đường. Đối với những tuyến đường lượng xe lưu thông thấp hơn, không có trung tâm thương mại thì mức thu phí thấp hơn. Việc này nhằm áp dụng mức giá hợp lý và đạt được mục đích giảm lượng xe đỗ trên lòng lề đường.
“Không thể để một đô thị hiện đại, phát triển như TP.HCM mà hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Tăng phí là cần thiết nhưng phải vừa siết, vừa tạo điều kiện cho người dân sử dụng ô tô”, bà Thúy nhận định.
Trong khi đó, đại biểu Cao Thanh Bình nói thành phố cần làm rõ phân chia khu vực 1, khu vực 2 để thu phí cho hiệu quả, công bằng. Còn đại biểu Nguyễn Hoàng Minh yêu cầu công khai, minh bạch và sử dụng nguồn thu phí đúng mục đích của đề án.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường nói rằng, có 42 tuyến đường được phép thu phí đỗ xe trên địa bàn 7 quận huyện gồm quận 1, 2, 3, 5, 6, 10 và 11. Hiện nay, các tuyến đường này vẫn được tổ chức thu phí với mức thu 5.000 đồng/xe/lượt không tính thời gian nên đã lạc hậu. Do đó, Sở tiến hành rà soát 42 tuyến đường này để điều chỉnh và sau khi rà soát lần này trình đề xuất thu phí trên 35 tuyến đường.
“Về cách thức thu, trước đây thu thủ công nhưng trong 3 tháng vừa qua, TP.HCM cho thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe ở quận 1 là đường Lê Lai, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Vì vậy, đợt này nếu HĐND TP.HCM thông qua tờ trình này, toàn bộ việc thu phí đỗ xe sẽ ứng dụng công nghệ để thu phí mà không thu tiền mặt nhằm công khai, minh bạch trong thu phí”, ông Cường nói.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định, trong điều kiện không có bãi đậu xe, TP.HCM cho phép đậu xe ở lòng đường, lề đường nhưng phải tăng giá vì 5.000 đồng cho cả ngày lẫn đêm là quá thấp. Do đó, TP.HCM tăng mức thu phí lên để người dân không đậu xe ngoài đường nhằm tạo sự thông thoáng cho đường phố.
HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua một số tờ trình về cơ chế đặc thù - Ảnh: PD
Chấn chỉnh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu
Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM cũng đã thảo luận và thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về chương trình cải cách hành chính “nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP.HCM”.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá mặc dù năm qua TP.HCM có chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn còn nhiều điều tồn tại như hồ sơ còn trễ hạn, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu... cần chấn chỉnh kịp thời.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Đạt, một số nơi cán bộ giải quyết thủ tục hành chính sợ trách nhiệm, còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, chưa tận tâm tận lực phục vụ nhân dân. Đây chính là mấu chốt khiến cho người dân và doanh nghiệp không hài lòng. Do đó, trong thời gian tới phải giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, uốn nắn kịp thời những bức xúc của người dân.
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa nói thủ tục hành chính càng đơn giản càng tốt, đó là mong muốn của người dân và doanh nghiệp. Còn đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị TP.HCM nên chọn nội dung “phí không chính thức” mà doanh nghiệp hay kêu ca để làm thí điểm, khảo sát sự hài lòng.
“Để làm được điều này, thành phố cần phải khảo sát có bao nhiêu doanh nghiệp và họ đã chi phí không chính thức cho một hồ sơ là bao nhiêu. Từ con số phí không chính thức này, chúng ta sẽ đánh giá nó ảnh hưởng nặng nề như thế nào đến doanh nghiệp và từ đó có giải pháp để chấn chỉnh”, bà Châu kiến nghị.
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề xuất TP.HCM phải thường xuyên tiến hành rà soát tổng số thủ tục hành chính, ghi nhận các thủ tục đã được đơn giản hóa, cũng như số lượng thủ tục mới phát sinh. Đồng thời, rà soát các thủ tục trên cả hai mặt, đó là lược bớt những thủ tục không cần thiết nữa và đơn giản hóa những thủ tục vẫn còn cần thiết.
Một ngày, một cán bộ giải quyết 100 hồ sơ
Giải trình tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCMTrần Vĩnh Tuyến cho biết năm 2017 là năm TP.HCM làm tốt nhất trong vấn đề cải cách hành chính, hồ sơ đúng hạn đạt hơn 99%, chỉ có 0,35% số hồ sơ trễ hạn.
“Nếu tính chung 5 năm qua thì tỷ lệ hồ sơ trễ hạn là 5%. Với con số hồ sơ mà TP.HCM phải giải quyết là 14,5 triệu mỗi năm thì 5% tương đương với 725.000 hồ sơ trễ hạn”, ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, sở dĩ có sự trễ hạn do có những hồ sơ quá khó, phức tạp chưa thể giải quyết được. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết ở TP.HCM quá lớn, có những sở ngành hiện nay mỗi ngày giải quyết trên 1.000 hồ sơ, có cán bộ giải quyết 100 hồ sơ/ngày. Trong khi đó, một số tỉnh, thành cả năm chỉ giải quyết vài ngàn hồ sơ.
Ngoài ra, trễ hạn hồ sơ còn do nghiệp vụ của cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ còn yếu; sự lãnh cảm, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức gây phiền hà cho dân; sự nhũng nhiễu, phiền hà làm chậm giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp, người dân “chạy”.
Đáng chú ý, về tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính năm 2017 là trên 80%, ông Tuyến nói rằng, thực tế lãnh đạo TP.HCM chưa bao giờ hài lòng với kết quả cải cách hành chính, thế nên thành phố luôn đặt ra việc khảo sát nhằm làm thế nào thấy được cái sai để sửa.
“Việc khảo sát ở đây không phải là để đánh giá mà tìm ra nguyên nhân kiểm soát, cũng như sửa những lỗ hỏng pháp luật. TP.HCM luôn luôn cầu thị, mặc dù đặc thù thành phố khác với các tỉnh nhưng phải lắng nghe để thay đổi. Chính quyền TP.HCMchưa bao giờ hài lòng với kết quả đạt được. Việc khảo sát để thấy cái sai mà sửa”, ông Tuyến nói thêm.
Phan Diệu