Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và tham vọng tạo 'số má' trên thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 06:24, 14/03/2018
Những ngày vừa qua, cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào sự kiện Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp cho phép gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch nước - một sự kiện sẽ cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình kéo dài nhiệm kỳ của mình sau thời điểm năm 2023. Bản sửa đổi hiến pháp cũng cho phép Bắc Kinh triển khai các chính sách đối ngoại về chính trị và kinh tế mạnh mẽ và cương quyết hơn. Vì thế, đã đến lúc thế giới cần phải bắt đầu dè chừng về Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Thời điểm Trung Quốc chính thức cho phép nhà lãnh đạo tối cao của mình là Chủ tịch Tập Cận Bình kéo dài nhiệm kỳ, thì cũng là lúc một nhân vật quan trọng khác chuẩn bị rút vào hậu trường, đó là Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên. Ông Chu Tiểu Xuyên nhiều khả năng sẽ nghỉ hưu ngay trong năm 2018 sau hơn 15 năm giữ cương vị điều hành PBOC, để lại một tổ chức đầy quyền lực có ảnh hưởng toàn cầu cho người kế nhiệm. Việc ông Chu Tiểu Xuyên nghỉ hưu cũng sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chấm dứt giai đoạn thận trọng về tiền tệ và tỷ giá, và thay thế bằng một chính sách quyết đoán hơn không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.
Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm ông Chu Tiểu Xuyên trở thành Thống đốc PBOC vào năm 2002. Vào thời điểm năm 2002, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ đạt khoảng 1.500 tỉ USD, còn giờ đây khi ông Chu sắp nghỉ hưu nó đã tăng lên mức 12.000 tỉ USD, gấp 7 - 8 lần. Tốc độ tăng trưởng khủng khiếp này cũng đồng nghĩa với việc vai trò của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu cũng gia tăng với tốc độ chóng mặt không kém. Theo ước tính của QuỹTiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc đã đóng góp khoảng hơn 1/3 mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017. Trung Quốc cũng đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm ngoái, với khoảng 8,43 triệu thùng/ngày. Và đây cũng là quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch thương mại lên tới 3.820 tỉ USD vào năm 2016, so với mức 3.580 tỉ USD của Mỹ.
Vì thế, không có gì khó hiểu khi tầm quan trọng của PBOC cũng ngày càng gia tăng đối với hệ thống tài chính - kinh tế - thương mại toàn cầu. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang cố gắng tăng cường mối liên hệ với PBOC, đồng thời phân tích các động thái và chính sách của ngân hàng này. Nhiều ngân hàng trung ương đang mua nhân dân tệ cho quỹ dự trữ ngoại hối của mình, như Bundesbank của Đức. Một số quốc gia đang gia nhập hệ thống hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, như Thái Lan; trong khi Ngân hàng Trung ương Indonesia thì mở văn phòng đại diện tại Bắc Kinh trong năm 2018, chính thức trở thành ngân hàng trung ương thứ 9 trên thế giới mở văn phòng đại diện ở thủ đô Trung Quốc.
Helen Qiao, giám đốc bộ phận kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng America Merrill Lynch có trụ sở ở Hồng Kông, cho biết: “Ảnh hưởng của PBOC đang lớn hơn rất nhiều. Đó là điều được dự đoán trước, khi bất cứ ai có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu thì ngân hàng của nó cũng sẽ có vị thế cao đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu”. Dù các liên kết tài chính trực tiếp của PBOC vẫn còn rất nhỏ so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thì các chính sách của nó cũng sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu.
Một dẫn chứng cho thấy sức mạnh thực sự của PBOC là vào thời điểm tháng 8.2015, khi những nỗ lực tái kiểm soát chặt chẽ tiền tệ của Trung Quốc khi đó đã khiến thị trường thế giới chao đảo. Điều này sẽ ngày càng gia tăng trong tương lai, khi vai trò của đồng nhân dân tệ đang có xu hướng trở thành một điểm neo cho khu vực, và PBOC thì lại là người quyết định những điều chỉnh liên quan đến đồng tiền này. Gregory Chin, giáo sư Đại học York (Toronto, Canada), cho rằng các ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính của các quốc gia trên thế giới nên bắt đầu thói quen phân tích các báo cáo của PBOC, cũng như theo dõi những thay đổi trong chính sách tiền tệ, lạm phát, dự trữ và lãi suất có liên quan. Ông Chin cho hay: “các ngân hàng trung ương ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đang gia tăng sự hiểu biết của họ về cách PBOC tạo ra các quyết định về chính sách.”
Tuy nhiên, dường như PBOC vẫn đang tự giới hạn mình thấp hơn là khả năng thực mà cơ quan này có thể. Ảnh hưởng của PBOC qua các kênh tài chính đã không theo kịp được đà tăng trưởng trong thực tế. USD vẫn đang là đồng tiền dự trữ toàn cầu trong khi nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh lại đang bị chững lại, mà phần lớn nguyên nhân là do những quy định nghiêm ngặt về chuyển tiền giữa trong và ngoài nước. Ngoài ra, ưu tiên của PBOC ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới là thị trường trong nước hơn là bên ngoài. PBOC sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch cắt giảm nợ đồng thời gia tăng kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán của Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra.
Theo dự báo của một số nhà phân tích, thì người kế nhiệm ông Chu Tiểu Xuyên ở PBOC thậm chí có thể sẽ là Liu He, cố vấn kinh tế quan trọng của ông Tập và cũng đang là một thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc. Việc ông Liu He đảm nhiệm vị trí Thống đốc PBOC có thể sẽ gia tăng ảnh hưởng của ông Tập đối với quá trình kiểm soát và vận hành hệ thống tài chính trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế phong phú của Liu He nhiều khả năng sẽ khiến ảnh hưởng toàn cầu của PBOC gia tăng mạnh mẽ, nhất là khi nó đang nắm trong tay một công cụ đầy uy thế là lượng dự trữ ngoại hối lên tới 3.000 tỉ USD.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)