Tổng thống Trump ký ban hành sắc lệnh đánh thuế nhôm, thép
Quốc tế - Ngày đăng : 10:36, 09/03/2018
Sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào 15 ngày sau khi được ký. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ gọi tình trạng bán phá giá sản phẩm thép và nhôm tại thị trường nước này là “một cuộc tấn công vào đất nước chúng ta”, và kết quả tốt nhất mà mức thuế nhập khẩu mới ban hành đem lại sẽ là các công ty chuyển nhà xưởng của mình đến Mỹ để sản xuất.
“Nếu bạn không muốn đóng thuế, hãy đưa nhà máy của bạn đến Mỹ”, Tổng thống phát biểu. Ông Trump cũng khẳng định ngành sản xuất kim loại trong nước rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Ngay sau khi ông Trump ký ban hành sắc lệnh trên, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jeff Flake cho biết sẽ đưa ra một dự luật nhằm hủy bỏ mức thuế Tổng thống vừa áp dụng. Một nghị sĩ Cộng hòa khác là ông Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, cũng tuyên bố sẽ làm việc với Nhà Trắng để “giảm nhẹ các thiệt hại”.
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sĩ Joe Manchin, ca ngợi động thái này. Ông Manchin đánh giá Tổng thống Trump với mức thuế áp dụng lên nhôm, thép nhập khẩu đang bảo vệ lợi ích, an ninh và người lao động Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.
Hai trường hợp ngoại lệ không lập tức bị áp mức thuế nhôm, thép đã có phản ứng trước sắc lệnh của ông Trump. Canada hoan nghênh quyết định miễn trừ thuế cho nước này của lãnh đạo Mỹ, nhưng cho biết sẽ tiếp tục vận động Washington cho đến khi nguy cơ bị đánh thuế biến mất.
Phía Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đánh giá những thông tin chi tiết về kế hoạch đánh thuế vẫn còn mơ hồ và còn quá sớm để kết luận “mọi nguy hiểm đã qua”. Thuế nhôm, thép và rộng hơn là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng của Mỹ đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng, theo BoC.
Với quyết định miễn trừ thuế nhôm, thép cho Canada và Mexico, Mỹ mong muốn hai nước này đổi lại sẽ nhượng bộ trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, lần lượt Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 8.3 đều khẳng định chuyện Washington áp hay không áp thuế với đàm phán NATFA là tách biệt nhau.
Trước khi ký sắc lệnh áp thuế nhôm và thép, Tổng thống Trump từng ngụ ý xem xét cho Úc được miễn trừ thuế. Ông cho biết: “Chúng tôi có quan hệ thân thiết với Úc và có thặng dư thương mại với nước này. Một đất nước tuyệt vời, một đối tác lâu dài. Chúng tôi sẽ làm gì đó cho họ”.
Tuy vậy, trong tuyên bố chính thức được đưa ra không đề cập đến Úc, chỉ có Canada và Mexico. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Úc Mathias Cormann nhấn mạnh “vẫn còn chút điều phải làm” trong 15 ngày tới.
Bộ trưởng khẳng định chính quyền Thủ tướng Turnbull đã rất khôn ngoan khi lặng lẽ làm việc với Mỹ để được miễn trừ thuế thay vì gây ra căng thẳng, khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại tăng cao.
Chính quyền Brazil và Argentina cùng ngày đã cho biết sẽ tìm cách thương lượng để được miễn trừ thuế như Canada và Mexico, nhưng hai nước Mỹ Latin khẳng định sẽ có biện pháp cứng rắn để bảo vệ nền công nghiệp trong nước nếu thương lượng thất bại.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), Ủy viên Thương mại Cecilia Malmstroem cho rằng khối này vẫn luôn là đồng minh thân cận của Mỹ, vì vậy nên được miễn trừ thuế nhôm và thép. Bà cho biết sẽ làm việc với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về vấn đề này vào ngày 10.3 tới.
Tại châu Á, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 9.3 lấy làm tiếc khi Mỹ quyết định đánh thuế, và tuyên bố động thái này sẽ “có tác động lớn” đến quan hệ kinh tế song phương lẫn nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Tokyo sẽ phản ứng lại căn cứ theo những luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ Thương mại Trung Quốc cùng ngày cũng cho biết họ “kiên quyết phản đối” thuế nhôm, thép mà ông Trump vừa đặt ra, và kêu gọi Washington rút lại biện pháp này càng sớm càng tốt.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cho biết các nước có thể bàn bạc với ông Lighthizer để tìm ra “những cách khác” giảm bớt thiệt hại bởi mức thuế nhôm, thép.
Theo quan chức này, Canada và Mexico nếu được miễn trừ vĩnh viễn thì các quốc gia khác có thể sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.
Cẩm Bình (theo The Guardian, Reuters)