‘Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu’ tìm kiếm nhân tài từ sinh viên

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:11, 03/03/2018

Cuộc thi "Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu" do báo điện tử Một Thế Giới phối hợp cùng tập đoàn Trung Nam tổ chức là cơ hội để tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, cũng như tìm kiếm các giải pháp, phương án ứng dụng thực tiễn cho các vấn đề môi trường, giao thông, đô thị.

Ngày 2.3, báo điện tử Một Thế Giới phối hợp cùng tập đoàn Trung Nam và Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức buổi giới thiệu cuộc thi Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu.

Cơ hội khởi nghiệp cho sinh viên

Cuộc thi Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu là sân chơi bổ ích dành cho đông đảo sinh viên các trường đại học tại TP.HCM, góp phần cổ vũ phong trào khởi nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của giới trẻ. Cuộc thi này là cơ hội tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, cũng như tìm kiếm các giải pháp, phương án ứng dụng thực tiễn cho các vấn đề môi trường, giao thông, đô thị.

“Xây dựng quốc gia khởi nghiệp đang là một trong những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Thông qua cuộc thi này, báo điện tử Một Thế Giới, tập đoàn Trung Nam hy vọng sẽ tạo lập một sân chơi cho các bạn sinh viên, góp phần hoàn thành mục tiêu lớn này của quốc gia”, ông Hoàng Đại Thanh - Tổng biên tập báo điện tử Một Thế Giới chia sẻ.

Đại diện báo điện tử Một Thế Giới giới thiệu cuộc thi đến sinh viên trườngĐại học Kinh tế Tài chính TP.HCM

Trong năm đầu tiên khởi xướng, Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu lấy chủ đề: ngập và tắc. Đây là hai “đặc sản” đáng sợ của các đô thị lớn nói chung, của TP.HCM nói riêng.

Theo đó, thí sinh sẽ dự thi theo cá nhân hoặc nhóm, tập trung xoay quanh các giải pháp liên quan đến phương pháp chống ngập hoặc pphương án chống ùn tắc trên địa bàn TP.HCM. Bài thi có thể thể hiện dưới một trong các hình thức như bài viết, hình ảnh, phim, video clip và gửi kèm mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, các bản vẽ minh họa…

Thành phần ban giám khảo của cuộc thi bao gồm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, công nghệ kỹ thuật, tham gia đánh giá bài dự thi dựa trên các tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo; khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện Việt Nam; hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - xã hội…

Nhiều sinh viên hào hứng với cuộc thi

Phát biểu tại buổi giới thiệu, PGS.TS.Ngô Cao Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM đánh giá đây là cuộc thi bổ ích và ý nghĩa cho sinh viên. Do đó, ông Cường mong rằng các bài thi của sinh viên trường UEF sẽ lọt vào top 5 chung cuộc.

PGS.TS.Ngô Cao Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM mong bài thi của sinh viên trường sẽ lọt vào top 5 chung cuộc

Sinh viên cần tranh thủ từng cơ hội để khởi nghiệp

Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa thông tin cuộc thi Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu tới sinh viên trường UEF, buổi giới thiệu còn diễn ra tọa đàm với chủ đề "Khởi nghiệp không giới hạn".

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, vốn là những nhà khởi nghiệp trẻ đã thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã làm rõ cho các bạn sinh viên là có tồn tại một giới hạn nào trong việc khởi nghiệp hay không và khi nào là thời điểm thích hợp để khởi nghiệp.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm

Theo Trần Thanh Tùng - chủ chuỗi cà phêMonkey In Black, dù hiện tại đã khởi nghiệp thành công, song để có kết quả này thì Tùng đã trải qua rất nhiều thất bại. Sau mỗi lần thất bại, Tùng đã rút ra được phương châm “sống là phải sống đúng cái mình mong muốn”. Cái “mong muốn” đó là cùng với những người thân yêu làm những thứ tâm huyết, có đam mê, cuộc sống có ý nghĩa.

“Khởi nghiệp bằng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ, đó là 4 thứ cần phải rèn luyện không ngừng trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đang đi học nhưng quyết định khởi nghiệp luôn, sau đó thất nghiệp, gánh nợ và thậm chí không có cả tấm bằng.

Để tránh trường hợp này xảy ra, các bạn nên cố gắng hoàn thành chương trình học để có một tấm bằng, có một cái nghề và tranh thủ từng cơ hội để khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những cuộc thi như Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu là sân chơi rất cần cho các bạn sinh viên”, Tùng nói.

Anh Trần Thanh Tùng - chủ chuỗi cà phêMonkey In Black chia sẻ tại tọa đàm

Trong khi đó, Nguyễn Bích Ngọc Trâm - người sáng lập và CEO của thương hiệu đồ chơi thú len và nội thất len dành cho mẹ và béMây Cou Cou, một thương hiệu thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ quốc tế và xuất khẩu được đến 5 thị trường cực kỳ khó tính là Singapore, Hàn Quốc, Oman, Dubai và Mỹ lại nói rằng, sinh viên cần phải đi làm công ty để học hỏi kinh nghiệm trước khi bắt đầu khởi nghiệp.

Để có được thành công này, Trâm đã từng thất bại rất nhiều lần và nghĩ rằng mình không thể đứng lại được. 25 tuổi, khởi nghiệp thất bại, gánh trên vai số nợ hơn 500 triệu đồng, đã có lúc Trâm quyết định bỏ hết tất cả để đi du học. Thế nhưng, Bích Trâm đã đứng dậy, làm lại từ đầu.

Sau những thất bại tưởng như không thể cứu vãn được, Bích Trâm nói rằngmuốn thành công, các bạn trẻ nên học cách quản lý của người khác bằng cách đi làm ở công ty, đọc sách thật nhiều và lắng nghe những trải nghiệm về người đã từng trải, mở rộng mối quan hệ...

Việc này sẽ giúp các bạn học được rất nhiều thứ, học cách họ đối trí và sống với nghề của mình và khi bắt đầu một giấc mơ kinh doanh, cần sắm cho mình một tinh thần thép. Sau đó sắm cho mình sự bình tĩnh nhất có thể, đó là về mặt lý trí.

“Hiện tại, mình luôn trong tâm thế chuẩn bị thất bại, mặc dù sau những thất bại, mình quyết tâm để không thất bại một lần nào nữa. Với những thất bại đã có, tôi thấy cái sai của mình là chưa đi làm, chưa có kinh nghiệm mà đã vội vàng lao vào khởi nghiệp.

Do đó, lời khuyên của tôi cho tất cả các bạn sinh viên là sau khi tốt nghiệp, chúng ta cần đi làm công ty để học cách người khác quản lý công ty, học cách người ta mắng mình, sử dụng con người của mình rồi sau đó mới nên khởi nghiệp. Khi thất bại, tôi đi làm để trả nợ và để tiếp tục ước mơ của mình”, Bích Trâm tâm sự.

Chị Nguyễn Bích Ngọc Trâm - người sáng lập và CEO củaMây Cou Cou vàVũ Nguyễn Đức Huy hào hứng chia sẻ cho các bạn sinh viên

Một gương mặt khởi nghiệp nổi bật khác cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho sinh viên là Vũ Nguyễn Đức Huy. Anh là một chuyên gia tư vấn luật. Hiện tại, Huy là Brand Manager Consultant của Leptoni Audio, một công ty Việt Nam chuyên sản xuất các loại ampliđèn chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng cao cấp.

Tại tọa đàm, Đức Huy cho rằng nhiều bạn trẻ đang bị sự tự ti kiềm hãm khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, đây là điều không nên. “Chúng ta phải tự tin là người Việt chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm đỉnh cao, cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu đẳng cấp nhất trên thế giới”, Đức Huy chia sẻ.

Khởi nghiệp vì thành phố tôi yêu dự kiến sẽ chia làm 4 vòng thi:

- Vòng loại: 27.10.2017 đến 31.3.2018

Nhận bài dự thi, lựa chọn 15 tác phẩm nổi bật vào bán kết.

- Vòng bán kết:ngày 20.4.2018

15 tác phẩm dự thi thuyết trình, trả lời chất vấn của ban giám khảo.

Chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc vào chung kết.

- Vòng chung kết: ngày 27.4.2018

5 tác phẩm tham gia hùng biện, trả lời chất vấn từ ban giám khảo.

Công bố kết quả, tổng kết chương trình

Ban tổ chức sẽ trao một giải Nhất chung cuộc trị giá 40 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 20 triệu đồng, một giải Ba trị giá 10 triệu đồng và hai giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Đặc biệt, những dự án với ý tưởng thực sự khả thi có cơ hội được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư để sớm triển khai, ứng dụng thực tế.

Thí sinh có thể gửi bài dự thi qua bưu điện theo địa chỉ:

Báo điện tử Một Thế Giới; 345/134 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM

Hoặc qua email:[email protected]

Phan Diệu

Phan Diệu