Trung Quốc phản bác cáo buộc của các nước phương Tây
Quốc tế - Ngày đăng : 07:24, 04/03/2018
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn Chính hiệp, cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên có người tạo ra từ mới để “bôi đen” Trung Quốc, và tôi tin cũng không phải lần cuối”.
Theo ông Vương: “Khi sức mạnh toàn diện của Trung Quốc không ngừng được nâng cao, công tác truyền bá càng được đẩy mạnh là điều không thể chối cãi. Nhưng điều này không phải chỉ vì chúng tôi muốn thể hiện hình tượng của mình, mà cũng muốn giúp cộng đồng quốc tế hiểu Trung Quốc một cách kịp thời, chính xác và toàn diện. Hoạt động này không gì đáng hổ thẹn cả”.
“Tuy nhiên, chúng tôi lấy làm tiếc khi thấy rằng phương Tây có một số người thân thể đã tiến vào thế kỉ 21, nhưng đầu óc vẫn mắc kẹt lại trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Cùng thực hiện trao đổi văn hóa, các quốc gia phương Tây được xem là đang thể hiện “quyền lực mềm” (soft power) hay “quyền lực thông minh” (smart power) nghe rất hay, còn đến Trung Quốc thì lại bị gọi là “quyền lực sắc bén” (sharp power) nghe không dễ chịu chútnào”, ông Vương nhấn mạnh.
“Quyền lực sắc bén” là khái niệm được Quỹ Quốc gia hỗ trợ Dân chủ (NED), một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, sử dụng để nói về những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu của các quốc gia như Trung Quốc, bao gồm hoạt động đổ tiền đầu tư hay thúc đẩy nhiều sáng kiến trong lĩnh vực truyền thông, văn hóa, học thuật. Một làn sóng lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh đang lan rộng trên toàn thế giới.
Tại Úc, căng thẳng đã tăng cao khi giới chức Canberra nghi ngờ Bắc Kinh đang sử dụng ảnh hưởng to lớn của mình để gây ảnh hưởng đến quốc gia này. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull vào tháng 12.2017 đã tuyên bố sẽ chống lại chuyện này.
Ngoài Úc, một quốc gia ở châu Đại Dương khác là New Zealand cũng đang điều tra việc Trung Quốc can thiệp chính trị nước này theo lệnh của Thủ tướng Jacinda Ardern.
Vào tháng 2.2018, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết lực lượng thực thi pháp luật nước này đang “cẩn thận chú ý” đến các Viện Khổng Tử, trung tâm giáo dục và văn hóa được chính quyền Bắc Kinh tài trợ, mở tại Mỹ và nhiều nước khác.
Ngoài chuyện “quyền lực sắc bén”, ông Vương trong buổi họp báo cũng đề cập đến quan hệ Trung-Nhật. Ông cho biết: “Một quốc gia không thể đối mặt với lịch sử và xem những hàng xóm của mình là đối thủ chiến lược thì sẽ không có tương lai. Trung Quốc nhận được những tín hiệu tích cực từ Nhật Bản, quan hệ song phương cũng xuất hiện một vài dấu hiệu cải thiện. Do đó chúng tôi mong muốn hai bên nắm bắt cơ hội đưa quan hệ song phương trở về hướng phát triển đúng đắn”.
Cuộc họp báo ngày 2.3 diễn ra trước thềm khai mạc kì họp “lưỡng hội” (họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và họp Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc). Kì họp thứ nhất Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc khóa 13 khai mạc vào chiều ngày 3.3 và sẽ bế mạc vào ngày 15.3.
Đến ngày 5.3, kì họp thứ nhất Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 13 sẽ khai mạc.
Cẩm Bình (theo SCMP, Sina)