Bên bờ vực phá sản, nhà máy xơ sợi 7.000 tỉ xin hàng loạt ưu đãi

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:16, 26/02/2018

Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ ngày 17.9.2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc... Năm 2018, lãnh đạo PVN cho biết sẽ là năm quyết định "số phận" của PVTex và Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ dưới sự vận hành của CTCP Hóa dầu và Xơ sợi tổng hợp Dầu khí (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỉ đồng). Từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5.2014, nhà máy liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Sau khi vận hành khoảng 7 tháng, dự án đã lỗ hơn 1.085 tỉ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỉ đồng của nhà máy.

Giữa năm 2017, PVN đã thực hiện công tác định giá tài sản chuẩn bị cho phương án chuyển nhượng hoặc phá sản công ty, cụ thể là việc thuê tư vấn định giá tài sản khi phương án khởi động vận hành lại nhà máy không được thực hiện.

Mới đây, đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) và kiểm tra tiến độ chuẩn bị vận hành trở lại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

PVTex hiện đang lập các phương án khôi phục sản xuất kinh doanh như: khởi động lại một phần phân xưởng DTY sản xuất sợi DTY từ sợi POY; hợp tác với đối tác trong và ngoài nước vận hành lại toàn nhà máy. Chủ tịch HĐQT PVTex Đào Văn Ngọc khẳng định mục tiêu của công ty là phát huy giá trị tài sản đã đầu tư, bởi vậy công ty sẽ tiến hành khởi động một phần phân xưởng DTY vào ngày 20.3 tới và từng bước nâng dần công suất xưởng DTY để tạo tiền đề cho việc khôi phục vận hành sản xuất kinh doanh toàn nhà máy.

Trong đó, công ty dự kiến thời gian sản xuất kinh doanh phân xưởng DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trong vòng 6 tháng (từ 20.3 đến 20.9.2018) trong khi chờ kết quả lựa chọn đối tác hợp tác vận hành toàn nhà máy. Tổng sản lượng sản suất khoảng 1.153 tấn sợi DTY 75/72D, trong đó, sản lượng kinh doanh khoảng 1.150 tấn và doanh thu khoảng 44,16 tỉ đồng; lợi nhuận trước chi phí cố định là 0,15 tỉ đồng.

Về phương án hợp tác với đối tác vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ trong năm 2018, PVTex đã nhận được hồ sơ đề xuất của Công ty Cổ phần An Phát Holdings (là đơn vị đứng đầu liên danh giữa Công ty Cổ phần An Phát Holdings, Công ty Reliance Industries Limited (Ấn Độ) và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte Ltd (Singapore) và đã hoàn tất công tác tổ chức đánh giá hồ sơ, đàm phán các điều khoản chi tiết với đối tác An Phát với sự hỗ trợ của PVN và Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).

Trong kế hoạch dài hạn 5 năm, PVTex dự kiến sẽ trình lãnh đạo PVN, Bộ Công Thương, cùng Ban ngành liên quan các kịch bản cụ thể (trong tháng 4.2018), phương án gồm tự vận hành; hợp tác gia công; bán hoặc phá sản công ty và đề xuất phương án ít thiệt hại nhất cùng với các cơ chế chính sách đảm bảo phương án khả thi nhất.

Trước thực trạng không mấy khả thi của nhà máy hiện nay, Chủ tịch PVTex Đào Văn Ngọc đã đưa ra hàng loạtkiến nghị, đề xuất trọng điểm để Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có thể vận hành trở lại như: xem xét cho PVTEX rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, không tính khấu hao tài sản cố định tối thiểu 3 năm đầu sản xuất; hỗ trợ pháp lý nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến đối tác trong quá trình hợp tác sản xuất kinh doanh (nếu có); tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xơ hiện nay là 2%, xem xét nâng lên 5% trong giai đoạn đầu nhà máy đi vào vận hành; miễn thuế nhập khẩu POY từ 3% xuống 0%; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ, cung cấp điện liên tục ổn định cho PVTex.

Về phía PVN, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, năm 2018 là năm quyết định "số phận" của PVTex và Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Tập đoàn sẽ dành mọi nguồn lực tìm ra phương án khả thi nhất để vận hành hiệu quả Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Tuyết Nhung

tuyetnhung