Chùm ảnh: Chùa Huế với Tết Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 08:20, 17/02/2018
Về mặt vị trí, chùa Huế có thể chia nôm na thành hai dạng, một là “nhập thế” hòa mình giữa dòng đời tấp nập. Dạng thứ hai là tĩnh tại, an nhiên và đầy “chất” thiền tọa lạc xa chốn phồn hoa đô hội. Đó có thể vốn là chốn thâm sơn cùng cốc, cũng có thể là thắng tích non nước hữu tình. Dù vậy, chùa Huế vẫn có nét chung là lấy sự tĩnh tại, gần gũi về văn hóa làm trọng. Ngày tết vui xuân, lễ chùa, nhưng không gian chốn thiền môn bao giờ cũng toát lên vẻ thanh thoát, nền nã.
Người đi lễ chùa do vậy dẫu có đông đảo cũng theo lẽ thường mà nề nếp, ngăn nắp, điềm đạm. Người Huế càng ít có sự vồn vã, tranh chấp được hơn theo kiểu giẫm đạp lên nhau để nhận lãnh một thứ gì đó làm điều may mắn trong ngày đầu năm, hay nhét tiền vào các bức tượng thờ.
Những hình ảnh không khí tết ở chùa tại Huế do phóng viên ghi nhận:
“Thư quán” trà đạo mang dáng dấp ngôi nhà tranh đơn sơ, tựa mái ấm quê hương ăm ắp kỉ niệm của nhiều người. Nơi đây cũng là nơi thầy trụ trì viết thư pháp tặng chữ cho Phật tử, quan khách ngày đầu năm
Chúng điệu (chú tiễu) cùng đạo hữu canh nấu nồi bánh tét xuyên đêm để cúng Phật
Phật tử đến lễ chùa và đàm đạo trong thư quán dựng lên trong khuôn viên chùa Từ Vân
Sắc xuân được trang trí trong khuôn viên chùa
Quý thầy chùa Từ Vân thỉnh chuông, tụng kinh niệm Phật đón xuân Mậu Tuất
Không gian yên tĩnh ở chùa Từ Hiếu tại thôn Dương Xuân, P.Thủy Xuân, TP.Huế. Cách trung tâm TP.Huế chừng 5km về phía Tây Nam, Từ Hiếu là ngôi cổ tự nổi tiếng ở cố đô Huế với không chỉ những giá trị văn hóa, nhân văn với tuổi đời hằng trăm năm, từng được vua Tự Đức sắc phong, mà còn là một thắng tích với sự yên bình, thanh thoát, tĩnh tại
Người đến với chùa Từ Hiếu có khi là Phật tử, nhưng cũng không ít người chẳng theo giáo phái nào và họ đến Từ Hiếu là chỉ để… đến. Có khi họ đến đây chỉ để nghe một thứ âm thanh gì đó trong gió, hay chỉ để nhìn những con cá trong hồ bán nguyệt phía trước chùa. (Trong ảnh: Một gia đình người dân ở P.Phước Vĩnh, Huế đến chùa vãn cảnh ngày 30 Tết Mậu Tuất. Người phụ nữ cho biết, trong một tháng gần đây 3 lần chị đến chùa Từ Hiếu chỉ để ngắm nhìn khung cảnh và lần nào cũng lần lữa không muốn về)
Thầy Thích Từ Đạo, trụ trì chùa Từ Hiếu chăm sóc hoa lá vườn chùa đón Tết Mậu Tuất
Chăm mai vàng đón Tết Mậu Tuất ở chùa Từ Hiếu
Một cây bồ đề ở chùa Từ Hiếu vươn mình trong nắng xuân
Hoa lá trong chùa
Phật tử đến lễ chùa Từ Hiếu
Anh Văn Việt, Phật tử gắn bó Phật sự 10 năm ở chùa Từ Hiếu. Ngày tết anh đến chùa sớm để chuẩn bị bánh mứt, cơm chay cúng Phật, Bồ Tát
Tổ đình Từ Hiếu còn được biết đến là ngôi chùa đặc biệt với sự an nghỉ của hàng chục vị thái giám triều Nguyễn. Sử sách ghi chép xưa kia các vị thái giám hay ghé thăm chùa, cúng dường kinh phí xây chùa và họ cũng chọn nơi đây là nơi an nghỉ cuối cùng (trong ảnh là hương hoa, cơm, bánh chay cúng các vị thái giám ngày tết)
Chánh điện các chùa ở Huế trong ngày tết hầu như chùa nào cũng trang trí mai, cúc. Chốn tôn nghiêm cũng được khoáclên sắc xuân gần gũi mang lại cảm giác vui tươi, an bình
Với chùa Huế, nghệ thuật cắm hoa đã đạt bậc thượng thừa
Tác phẩm thanh thoát với chỉ một số loài hoa, lá đơn sơ cúng Phật
Với người Huế, từ lâu người ta nhắc đến khái nhiệm “thai giáo”. Ấy là để ngay cả những đứa trẻ cũng cảm nhận và học được đức từ bi, sống bác ái, chan hòa sau khi đến chùa lễ Phật
Video clip: Chùa Từ Hiếu trongngày tết Mậu Tuất:
Nhật Lam (thực hiện)