Phải 5-10 năm nữa Việt Nam mới đáp ứng được tiêu chuẩn TPP11
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:28, 23/02/2018
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay còn gọi là TPP11 vừa hoàn tất đàm phán. 11 nước thành viên sẽ tiến tới ký kết hiệp định chính thức vào ngày 8.3 tới tại Chile.
Ngoài một số quốc gia thành viên của hiệp định này đã có hiệp ước thương mại song phương với Việt Nam, TPP11 sẽ giúp Việt Nam có thêm thị trường ở các quốc gia khác như Canada, Mexico hay Peru…
Theo đó, dù không có Mỹ nhưng dự kiến, một số ngành như dệt may, thủy sản, logistics… của Việt Nam vẫn có nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nhóm ngành nông nghiệp, sữa, mía đường, thức ăn chăn nuôi… sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn khi nguồn cung từ Úc và New Zealand tham gia thị trường Việt Nam.
Nhóm ngành dược phẩm, tài chính, ngân hàng cũng sẽ chịu thêm cạnh tranh từ Nhật Bản, Canada… Đặc biệt là mảng ngành tài chính, vì các nước trên có thể bán các sản phẩm dịch vụ tài chính của mình sang Việt Nam mà không cần phải thiết lập chi nhánh hoạt động.
Quy mô xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các quốc gia CPTPP chỉ chiếm 13% tổng giá trị nhưng vẫn thấp hơn so với mức gần 38% của riêng thị trường Mỹ; xuất khẩu thủy sản vào thị trường này khoảng gần 2 tỉ USD…
Trong khối thành viên, Nhật là nước nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm dệt may, thủy sản của Việt Nam, khoảng 4,1 tỉ USD tương đương 8,8%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằngtrước hiệp định này, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn trong thực hiện các quy định của CPTPP. Khó khăn lớn nhất là phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Ông Hiếu lấy ví dụ như trong lĩnh vực dệt may. Theo quy chuẩn CPTPP, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi trong trường hợp nguyên liệu làm ra sản phẩm đó có nguồn gốc phần lớn từ nước bản địa, hoặc là nguyên liệu nhập khẩu từ các nước CPTPP. Nhưng trong ngành dệt may Việt Nam thì phần lớn nguyên liệu sản xuất lại được nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Như vậy, trong trường hợp này, để doanh nghiệp có thể được hưởng lợi thì chính sách thuế của chúng ta buộc phải thay đổi, hạn chếnhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP”, ông Hiếu phân tích.
Không chỉ trong dệt may, đối với ngành thép, Việt Nam cũng đang gặp tình trạng tương tự. Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Mỹáp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.
Trước đó, vào tháng 11.2017, Bộ Công Thương đãphát đi thông tin liên quan đến việc một số báo chí quốc tế đưa tin “90% thép Việt Nam vận chuyển sang Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc”. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trị giá 3,17 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 378.164 tấn thép, trị giá 302,9 triệu USD. Nhóm xuất khẩu nhiều nhất là thép mạ crom (HS 7210 6111) đạt 93 triệu USD, chiếm 31% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ.
Số liệu thống kê của hải quan cho thấy có 11 mặt hàng thép xuất khẩu sang Mỹ có mã HS trùng với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm 34% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ. Các mã HS còn lại hoặc không nhập từ Trung Quốc, hoặc lượng nhập rất ít, không đủ để xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằngViệt Nam đã tham gia rất nhiềuhiệp định thương mại tự do, đa phương lẫn song phương nhưng vẫn chưa tận dụng hết lợi ích. Do đó, cần phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn trong các hiệp định sau này.
Để nhanh chóng bắt nhịp được với các tiêu chuẩn của CPTPP, ông Nguyễn Trí Hiếu nói các thiếu sót trong lực lượng lao động của Việt Nam cần được cải thiện nhanh chóng.
“Lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt khi đi vào giai đoạn công nghiệp 4.0. Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin”, ông Hiếu nêu.
Cùng với đó, chuyên gia này nhấn mạnh, trong tất cả mọi lĩnh vực, sựthay đổi trước hết bắt đầu từ luật pháp, rồi cơ chế về thuế, về chính sách, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, tất cả những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan đến những khâu đó cũng phải được thay đổi và đặc biệt nữa là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp.
Theo TS Hiếu, nếu muốn hưởng lợi từ hiệp định này thì Việt Nam phải bắt đầu cải thiện thể chế và thay đổi từ chính sách, bởi hiện tại Việt Nam đang cách xa các tiêu chuẩn của CPTPP.
“Với tốc độ cải cách như hiện nay thì hiện tại Việt Nam khó có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định này. Phải mất ít nhất từ 5 tới 10 năm nữa mới có thể tiến đến được với các tiêu chuẩn của CPTPP”, ông Hiếu nói.Theo ông, nếu không thúc đẩy nhanh cải cách thể chế và cải cách chính sách thì rất có thể Việt Nam sẽ “bỏ lỡ” những cơ hội mà hiệp định thương mại tự do này mang lại.
Cũng chưa hài lòng với tốc độ cải cách hiện tại, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) cho biết cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách. Trong đó quan trọng là cải cách thể chế: “Thủ tướng nhấn mạnh rằng “thể chế, thể chế và thể chế”, nhưng vấn đề là từ lời nói đến thực thi là một khoảng cách, liệu có đạt được mục tiêu đề ra hay không thì cần phải quyết tâm rất lớn”.
Theo ông Lưu Bích Hồ, trước kia, khi làm hồ sơ vào WTO với tiêu chí thấp hơn nhiều nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Dù gần đây đã có nhiều tiến bộ trong việc cải cách, nhưng để mà đáp ứng được thì cũng không dễ dàng. Do đó, không nên để lặp lại trong hội nhập lần này.
Lam Thanh