Thủ tướng: Bán tài sản cho 'Vũ nhôm', nhà nước được gì?
Sự kiện - Ngày đăng : 13:53, 08/01/2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính, ngân sách năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 8.1.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết năm nay tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây, kể từ sau khủng hoảng. Con số này quy ra tuyệt đối là 5,1 triệu tỉđồng.
“Nhờ kết quả này nên nợ công chỉ còn khoảng 63%, trong khi đó đầu năm gần kịch trần 64,5% so với mức an toàn 65%”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra nhìn nhận thẳng thắn vào các hạn chế cần khắc phục. Theo Thủ tướng, Bộ Tài chính không chỉ là Bộ quản lý tiền mặt mà là Bộ tài năng trong quản lý chính sách tài chính, công cụ tài chính thúc đẩy nền hành chính liêm chính, minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, tạo mọi điều kiệnthúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
“Chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Có doanh nghiệp cố tình vi phạm, xong có doanh nghiệp bị oan sai do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách chưa theo kịp đời sống thực tiễn, thiếu phản biện, lắng nghe và đánh giá tác động, nên cần phải thay đổi chính sách thuế nói riêng và tài chính nói chung.
“Phải có sự ổn định tương đối dài từ 5-10 năm, các cơ quan lưu ý”, Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng chính sách thuế con tư duy có lợi cho cơ quan nhà nước chưa hướng tới bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Ngược lại, chính sách thuế luôn giải thích có lợi cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp có kêu oan cũng bị áp đặt sai phạm.
“Nên phải nghiêm túc xem lại vấn đề này. Quan điểm suy đoán vô tội, đây là yêu cầu cấp bách, ưu việt trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Việc sửa đổi pháp luật về thuế phải có điều khoản quy định rõ bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế”, Thủ tướng yêu cầu.
Việc quản lý tài sản công Thủ tướng cho biết vẫn còn nhiều quan ngại, còn thất thoát lãng phí lớn. Thậm chí còn để nhóm lợi ích đục khoét để hưởng lợi khổng lồ từ tài sản công.
“Tôi xin nêu một ví dụ lớn nhất là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở thành phố Đà Nẵng. Nhà nước được gì?”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan tài chính xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công của quốc gia.
Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề Bộ Tài, Cục Quản lý công sản và các địa phương phải xây dựng cơ chế chính sách, tính toán sát sao để sớm khắc phục.
TheoNguyễn Khánh - Dân Trí