Trung Quốc thử tên lửa gắn thiết bị lướt siêu thanh
Quốc tế - Ngày đăng : 13:50, 29/12/2017
Thông tin trên được một nguồn tin giấu tên từ chính phủ Mỹ, có được tin tình báo về lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc (PLARF), tiết lộ. Nguồn tin này cho biết Trung Quốc đã hai lần phóng thử DF- 17, lần lượt vào các ngày 1 và 15.11
Lần thử đầu tiên thực hiện tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc Nội Mông. Đầu đạn tên lửa bay xa khoảng 1.400 km, với HGV đạt độ cao gần 60 km sau khi hoàn thành giai đoạn đưa đầu đạn vào quỹ đạo bay và tái nạp. Sau khi đưa đầu đạn đạt đến độ cao cần thiết, các HGV sẽ tự tách ra.
Nhiều đơn vị của cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá DF-17 là một hệ thống tầm trung, với tầm bắn khoảng 1.800- 2.500 km. Tên lửa này dự kiến mang được đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân, có thể được trang bị một thiết bị tái nhập tiện dụng thay vì dùng HGV.
Theo nguồn tin giấu tên, hầu hết thời gian bay của DF- 17 trong lần thử đầu tiên đều được trợ lực từ HGV trong suốt giai đoạn lướt. Đến lần thử thứ hai ở khu tự trị Tân Cương, bên ngoài thị trấn Thả Mạt, thì tên lửa đã được phóng thành công. Tên lửa bay gần 11 phút, mục tiêu xác định “nằm trong tầm bắn vài mét”, nguồn tin mô tả.
Cũng theo nguồn tin này, DF- 17 được phát triển chủ yếu dựa trên DF-16B, loại tên lửa tầm ngắn đã được triển khai. Loại HGV mà Trung Quốc thử trong tháng 11 được thiết kế dùng riêng cho DF-17.
Nguồn tin này nhận xét: “Tên lửa DF- 17 rõ ràng được thiết kế để cho HGV hoạt động chứ không phải là để thử nghiệm. Đây là lần thử HGV đầu tiên trên thế giới mà sử dụng đến một hệ thống dự kiến sẽ được đưa ra hoạt động trên thực địa”.
Theo các đánh giá tình báo hiện tại của Mỹ, DF- 17 có thể sẽ đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2020.
Theo Phó đô đốc James Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ: “Mặc dù ý tưởng về thiết bị lướt siêu thanh (HGV) và tên lửa bay theo quỹ đạo phi đạn đạo đã được đưa ra vào thời kì Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng chỉ những tiến bộ công nghệ hiện nay mới khiến những hệ thống này trở thành hiện thực”.
Ngoài những tên lửa này, trong thời gian 2014- 2016, Trung Quốc được cho là đã thực hiện 7 lần thử nghiệm HGV. Hai lần thử DF - 17 vào tháng 11 được tiến hành sau khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vào một tháng trước đó đã công bố những hình ảnh vụ thử của một vật thể được cho là HGV.
Hiện vẫn chưa rõ vật thể mà CCTV giới thiệu có liên quan gì đến tên lửa DF- 17 được thử hay không, nhưng những hình ảnh xuất hiện vào tháng 10 được xem là bản đầu tiên của HGV được truyền thông Trung Quốc công bố, theo The Diplomat.
The Diplomat cho biết Nga và Mỹ cũng đang phát triển công nghệ lướt siêu thanh, nhưng hai nước này chưa bao giờ dùng hệ thống tên lửa có thể được đưa ra hoạt động trên thực địa để thử HGV.
Tên lửa gắn HGV nhờ khả năng thực hiện những chuyến bay tầm thấp có thể không bị phát hiện bởi công nghệ cảm biến radar hiện tại. Tuy nhiên, HGV trong giai đoạn cuối của chuyến bay được cho là bay chậm hơn hầu hết các thiết bị lướt khác trên quỹ đạo đường đạn. Điều này khiến chúng dễ bị đánh chặn bởi những hệ thống phòng thủ có khả năng đánh chặn ở điểm cuối tân tiến.
Trong một báo cáo năm 2017, Trung tâm tình báo Hàng không và Vũ trụ quốc gia Mỹ đánh giá: “HGV được mang bởi các tên lửa đạn đạo là một mối đe dọa đang nổi lên, có thể sẽ đem lại thách thức mới cho các hệ thống phòng thủ tên lửa”.
Cẩm Bình (theo The Diplomat)