Doanh nghiệp xin xuất bán 200.000 tấn quặng 'ế' ra nước ngoài
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 05:11, 27/12/2017
Cụ thể, năm 2017, Công ty Việt Phát đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung mua 500.000 tấn quặng limonit mỏ Quý Xa và ký hợp đồng bán cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát khối lượng 300.000 tấn trong 2 năm 2017 - 2018. Tuy nhiên, hiện công ty Việt Pháp vẫn còn tồn đọng 200.000 tấn chưa có nơi tiêu thụ, vì vậy kiến nghị Bộ Công Thương cho phép xuất số quặng tồn nói trên.
Phản hồi trước kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng việc xuất khẩu quặng sắt còn lại sau khi đã tiêu thụ trong nước của Việt Phát phù hợp với chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Công Thương chấp nhận cho xuất khẩu số quặng sắt nói trên, đồng thời yêu cầu trong quá trình xuất khẩu, nếu có doanh nghiệp trong nước có nhu cầu, giá cả thỏa thuận theo thị trường yêu cầu thìCông ty Việt Phát phải ưu đãi bán tiêu thụ trong nước.
Limionit là một loại khoáng sản thô mà Chính phủ cấm hoặc hạn chế xuất khẩu, chủ yếu ưu đãi xuất khẩu khi đã qua chế biến, để có giá trị gia tăng cao.
Được biết, đây cũng không phải lần đầu Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu quặng sắt ra nước ngoài. Tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương cũng cho phép một doanh nghiệp khác tại Lào Cai xuất khẩu hơn 11.000 tấn quặng sắt manhetit.
Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp khai thác quặng sắt tồn kho lớn vì nhu cầu trong nước giảm. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu quặng sắt tồn kho, quặng sắt limonit trong nước không sử dụng hết; quặng sắt manhetit.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng cho phép giảm thuế xuất khẩu đối với quặng sắt chế biến chất lượng cao, nếu sản phẩm này được phép xuất khẩu.Hiện thuế xuất khẩu với quặng sắt và tinh quặng sắt là 40%, bằng mức trần khung thuế suất do Quốc hội quy định.
Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường mua bán các dự án mỏ, đấu thầu quyền khai thác khoáng sản lớn ở Châu Phi, Trung Á và cả Đông Nam Á để khai thác các tài nguyên, trong đó phần lớn là quặng để phục vụ ngành công nghiệp trong nước và tích trữ lớn. Ngoài quặng và khoáng sản, than đá và dầu mỏ cũng là mặt hàng nguyên liệu mà Trung Quốc hướng đến nhập khẩu, tích lũy lớn.
Tuyết Nhung