Kiều hối đổ về nhiều, dự trữ ngoại hối cán mốc 50 tỉ USD

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:01, 24/12/2017

Với lượng lớn kiều hối chảy về Việt Nam thời gian qua, giới chuyên gia dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đạt 50 tỉ USD trong năm nay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện lên xấp xỉ 48 tỉ USD. Tính chung từ đầu năm đến nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng ước đạt khoảng 8 tỉ USD.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thị trường tiền tệ ổn định; dự trữ ngoại hối đạt 45 tỉ USD, tăng thêm 6 tỉ USD so với cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam được công bố.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính chung trong 11 tháng qua đã có 4,55 tỉ USD kiều hối chuyển về. Trong tháng 12 này, dự kiến số tiền chuyển về ít nhất cũng sẽ ở mức 650 triệu USD, tương đương với tháng 11. Như vậy ước lượng kiều hối cả năm 2017 sẽ ở mức 5,2 tỉ USD.

Lượng tiền chuyển về chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (hơn 19%). Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 72% kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất - kinh doanh, 22% được đổ vào bất động sản và 6% còn lại là tiêu dùng cá nhân.

Ông Minh cho biết trong những tháng cuối năm nay, lượng kiều hối chuyển về đang tăng dần. Nếu như các tháng trước trung bình chỉ đạt 375 - 400 triệu USD/tháng, thì từ tháng 10 đã tăng lên 600 triệu USD và tháng 11 lên mức 650 triệu USD.

Tình hình trên dự báo một triển vọng lạc quan về lượng kiều hối chảy về Việt Nam tháng cuối cùng của năm 2017. Giới chuyên gia nhận định với diễn biến các dòng chảy ngoại tệ trên thị trường, dự kiến quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt kỷ lục 50 tỉ USD ngay trong năm nay.

Dự trữ ngoại tệ được cho là sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và nâng cao khả năng chống đỡ trước các cú sốc từ bên ngoài như việc Fed tăng lãi suất...

Theo đó, cả cácchuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất nên tăng lãi suất huy động USD để tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài.

Song, ở góc nhìn khác, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách đang thực thi đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho tiền đồng Việt Nam. Nhiều người đã chuyển từ USD sang VND để gửi tiết kiệm. Riêng trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 8 tỉ USD. Huy động vốn bằng ngoại tệ hiện chỉ chiếm tỉ trọng 12% trong tổng huy động vốn, trong khi ở giai đoạn năm 2010-2015, tỉ lệ này lên đến 19-22%. Do vậy Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định giữ lãi suất huy động USD ở mức 0%.

Tuyết Nhung

tuyetnhung