TP.HCM tháo dỡ trạm thu phí qua hầm sông Sài Gòn

Sự kiện - Ngày đăng : 21:26, 20/12/2017

UBND TP.HCM đã đồng ý cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức tháo dỡ trạm thu phí hầm sông Sài Gòn nhằm tạo thông thoáng cho xe ra vào hầm sông Sài Gòn.

Theo đó, UBND TP.HCM cho phép Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức tháo dỡ trạm thu phí hầm sông Sài Gòn và tận dụng một số thiết bị còn hoạt động được để phục vụ công tác chuyên môn theo phương án đề xuất của Sở này.

Kinh phí thực hiện được chi từ nguồn vốn duy tu hàng năm của Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Việc tháo dỡ dự kiến sẽ thực hiện trước Tết Nguyên đán 2018.

Trạm thu phí đầu đường hầm sông Sài Gòn thuộc hạng mục xây dựng Đại lộ Đông – Tây do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, xây dựng và hoàn thành từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, sau đó, thuế bảo trì đường bộ ra đời nên hầm Thủ Thiêm không được phép thu phí để tránh việc người dân đóng phí 2 lần. Từ đó đến nay, trạm thu phí tại đường hầm sông Sài Gòn hoàn toàn bỏ không.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở hầm sông Sài Gòn, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để xử lý. Cụ thể, đối với tình trạng ùn tắc giao thông ở 2 đầu hầm sông Sài Gòn, Sở đã đề ra các giải pháp xử lý như khi xảy ra sự cố xe chết máy, dẫn bộ hoặc xe ô tô hư hỏng, chết máy trong khu vực đường hầm thì lực lượng cứu hộ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn lập tức tiếp cận, hỗ trợ đưa xe ra khỏi đường hầm.

Về điều tiết giao thông, Sở chỉ đạo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thường xuyên bố trí lực lượng điều tiết giao thông, túc trực 24/24 giờ để điều tiết giao thông trước trạm thu phí và tại nút giao Ký Con, đầu hầm quận 1. Đồng thời, tổ chức thực hiện điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ xa với thời lượng hợp lý tại các nút giao thông trên tuyến (nút giao thông Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch, nút giao thông Võ Văn Kiệt - Ký Con) để đảm bảo lượng xe mô tô lưu thông vào hầm phù hợp.

Trong trường hợp lượng xe mô tô tăng nhanh, ùn ứ nhiều tại đầu hầm, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Bến Thành tổ chức cho xe ô tô tạm dừng ở bên ngoài đầu hầm, sau đó điều tiết cho xe gắn máy lưu thông vào làn xe ô tô để đảm bảo thoát nhanh qua hầm.

Về tổ chức giao thông, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất một số giải pháp triển khai phân luồng giao thông trong thời gian tới. Đối với đầu hầm quận 2, đơn vị này bố trí tăng thêm 1 làn đường hướng vào hầm và hướng thoát khỏi hầm cho xe mô tô; trong trường hợp lưu lượng xe dồn ứ trong phạm vi dừng chờ đến khu vực trạm thu phí sẽ điều tiết ngăn xe ô tô vào trong hầm để ưu tiên cho xe mô tô.

Đối với đầu hầm quận 1, khi mật độ các loại xe mô tô vào hầm quá lớn sẽ bố trí ưu tiên cho xe máy lưu thông vào làn đường xe ô tô và điều tiết xe ô tô trên đường Võ Văn Kiệt vào hầm cũng như xe ô tô trên cầu Calmette lưu thông vào hầm.

Cơ quan này cũng bổ sung biển cấm xe ô tô từ hầm hướng quận 2 qua quận 1 đi vào làn hỗn hợp Võ Văn Kiệt vào thời gian cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ để giảm áp lực giao thông khu vực giao lộ Phó Đức Chính - Võ Văn Kiệt, Calmette - làn hỗn hợp Võ Văn Kiệt. Bổ sung biển cấm xe ô tô lưu thông vào đường hầm sông Sài Gòn từ nhánh rẽ cầu Calmette vào thời gian cao điểm chiều từ 17 giờ đến 19 giờ để không xảy ra giao cắt với lượng xe máy lưu thông vào hầm gây ùn tắc giao thông.

Theo thống kê, lưu lượng xe qua hầm sông Sài Gòn tăng nhanh so với năm liền kề. Trong 11 tháng đầu năm 2017, số lượt xe ô tô lưu thông qua hầm là hơn 14 triệu lượt (trung bình 43.811 lượt/ngày) so với 11 tháng đầu năm 2016 tăng gần 3 triệu lượt (tăng trung bình 8.868 lượt/ngày tương đương 25,38%).

Về số lượt xe máy lưu thông qua hầm trong 11 tháng năm 2017 là hơn 75 triệu lượt (trung bình 230.000 lượt/ngày) so với 11 tháng năm 2016 tăng 9 triệu lượt (tăng trung bình 30.000 lượt/ngày tương đương 15%).

Phan Diệu

Phan Diệu