Cần chống thất thu thuế, phí trước khi nghĩ đến tăng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:03, 20/12/2017
Dư luận nhân dân đang rất quan tâm đến việc TP.HCMcó chủ trương thu phí ô tô vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông. Về cơ sở pháp lý và tính khả thi của việc thu phí này đang có rất nhiều ý kiến trái chiều. Thế nhưng điều khiến người dân và các doanh nghiệp lo ngại hơn là “xu hướng tăng nhiều loại thuế, phí” khi TP.HCMđã được Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCMđã xác định rõ một số lĩnh vực TP được điều chỉnh khác với các quy định pháp luật hiện hành nhằm tạo sự phát triển đột phá, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, về thẩm quyền quản lý tài chính.ngân sách, TPđược áp dụng thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành; quyết định áp dụng trên địa bàn TP phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí, quyết định mức tăng các loại phí...
Đây là cơ chế rất thuận lợi để TP tạo nguồn thu cho phát triển, nhưng cũng là vấn đề khiến cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng, bởi việc tăng thuế, phí sẽ tác động trực tiếp đến mọi người dân và doanh nghiệp.
Khẳng định việc TP được áp dụng thí điểm tăng mức thuế, phí là cần thiết, hợp lý vì sự phát triển đột phá của đô thị đặc biệt, “đầu tàu” cả nước, song rất nhiều cử tri đề nghị TP cần tính toán kỹ mức tăng, loại phí cần thu... để “khoan sức dân”, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Nếu tăng nhiều loại thuế, phí để tăng thu ngân sách, thì lại ảnh hưởng xấu đến môi trường thu hút đầu tư, thậm chí kìm hãm sản xuất kinh doanh... Do đó, TP cần ưu tiên nghiên cứu những giải pháp vừa bảo đảm tăng nguồn thu, vừa thúc đẩy sự phát triển.
Để tăng thêm nguồn thu bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách trung ương và phục vụ xây dựng TP, nhất là đầu tư cho những địa bàn còn nhiều khó khăn và những lĩnh vực thiết yếu, nhiều chuyên gia kinh tế và cử tri cho rằngtrước hết TP cần tăng cường công tác quản lý thuế, kiên quyết chống thất thu thuế vì thực tế số tiền thuế bị thất thu là rất lớn. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2015 có tới 63% số hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế để không phải nộp đúng, nộp đủ tiền thuế; hầu hết các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không viết hóa đơn để trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT); rồi tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI nhằm trốn thuế diễn ra khá phổ biến. Tại TP.HCM, tình trạng này cũng rất nhức nhối bởi số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể rất lớn (hơn 250.000 hộ kinh doanh).
Đặc biệt, việc các doanh nghiệp vận tải hoạt động “trá hình”, “lách luật” để “né” các loại thuế, phí gây thất thu rất lớn. Ví dụ như loại hình taxi công nghệ Uber, Grab đang “né” các loại thuế, phí hàng trăm tỉđồng; rất nhiều đơn vị vận tải hoạt động “xe khách trá hình” (dùng xe đăng ký chạy hợp đồng và chở khách du lịch để chở khách theo tuyến cố định, không bán vé để trốn thuế GTGT và không vào bến xe để trốn phí) vừa gây thất thu cho thành phố hàng nghìn tỉđồng mỗi năm, vừa gây ùn tắc giao thông nội đô, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Về lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều chuyên gia và nhà báo cho rằng chỉ cần TP kiên quyết dẹp hết nạn “xe khách trá hình”, “xe dùbến cóc” nội thành vốn nhức nhối suốt nhiều năm nay, thì đã giảm được đáng kể ùn tắc giao thông (vì hàng nghìn chiếc “xe khách trá hình” rất cồng kềnh sẽ phải vào bến xe, không còn vào nội thành; đồng thời cũng không còn hàng trăm điểm đón trả khách kiểu “bến cóc” dưới lòng đường phố gây cản trở lưu thông). Không những thế, số tiền thuế, phí thu được từ xử lý “xe khách trá hình” cũng rất lớn.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Thành ủy ngày 13.2.2017, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế thành phố đã bày tỏ lo lắng về tình trạng thất thu thuế trên địa bàn. Ông Tâm đề nghị thành phố cần có cơ chế đặc thù trong quản lý thuế mới chống thất thu hiệu quả.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu TP.HCMsiết chặt quản lý thuế, phí; bảo đảm nguyên tắc thu đúng, thu đủ, kiên quyết không để thất thu thì mỗi năm toàn TP có thể tăng thu hàng chục nghìn tỉđồng. Giải pháp này mang lại hiệu quả kép, vừa giúp TP có kinh phí để đầu tư cho phát triển, vừa tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng để thúc đẩy sự phát triển chung, đồng thời chống tình trạng cán bộ hư hỏng do “bắt tay” với các cơ sở sản xuất kinh doanh để trốn thuế.
Để chống thất thu thuế, phí, các chuyên gia kinh tế đề nghị TP.HCMcần tiến hành tổng kiểm tra, rà soát việc chấp hành nghĩa vụ thuế tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh; phân công cán bộ thuế kiểm tra chéo và tăng cường công tác thanh tra để bảo đảm khách quan, tránh tiêu cực. Đặc biệt, TP cần coi trọng xây dựng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại áp dụng vào công tác quản lý thu thuế, phí một cách chặt chẽ, hiệu quả, nhất là quản lý doanh thu qua hợp đồng điện tử, quản lý hoạt động thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, theo trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, để ngăn chặn trốn thuế cần có sự thống nhất cơ sở dữ liệu về thực trạng chấp hành thuế của doanh nghiệp nhằm xác định hành vi vi phạm rõ ràng; đồng thời ngành hải quan và ngành thuế cần phối hợp cụ thể hơn với ngành công an để xử lý nhanh và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để bảo đảm tính răn đe.
Quang Huy